Chuyện của những nông dân trẻ
Kỹ sư điện làm nông
Ra trường với tấm bằng kỹ sư điện nhưng anh Phạm Phú Diệp, thôn An Cúc Tây, xã Thụy Việt (Thái Thụy) lại lựa chọn ở lại quê hương lập nghiệp. Theo anh Diệp, niềm đam mê với chăn nuôi, trồng trọt đã nhen nhóm từ khi anh còn là sinh viên. Lần đầu tiên được xem mô hình nuôi ốc bươu đen trên truyền hình, anh đã quyết tâm đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, đặt mua 1.000 con ốc giống ở xã Hồng Lý (Vũ Thư) về nuôi thử. Vừa học ở Nam Định, anh vừa tranh thủ ngày nghỉ để về quê nuôi ốc.
“Nuôi ốc bươu đen cho hiệu quả cao hơn so với nuôi cá truyền thống. Thức ăn của ốc rất dễ kiếm quanh nhà như bèo tấm, bèo cái, lá sắn tàu, quả mướp, lá khoai nước… Tôi chủ yếu học kỹ thuật nuôi thông qua mạng xã hội và các chương trình trên ti vi. Thời gian đầu, do chưa làm chủ được kỹ thuật nuôi, thời tiết nên ốc thường bị mắc bệnh sưng vòi, hao hụt đi rất nhiều khiến tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng” - anh Diệp chia sẻ.
Với những người trẻ như anh Diệp, đối mặt với khó khăn cũng là cách giúp anh tích lũy thêm kinh nghiệm. Sau hơn 3 tháng kiên trì vừa học vừa làm, ốc bươu đen đã trưởng thành và cho thu hoạch ốc thương phẩm từ 35 - 40 con/kg. Ngoài việc bán con giống, anh Diệp còn bán trứng ốc cho các hộ có nhu cầu nuôi và nhận bao tiêu ốc thương phẩm cho bà con các tỉnh phía Bắc. Không chỉ nuôi ốc bươu đen, chàng trai 9X này còn phát triển thêm mô hình nuôi trùn quế. Anh còn đầu tư chế tạo máy móc để sản xuất con giống, phân trùn quế cung cấp cho khách hàng ở nhiều tỉnh lân cận. Mỗi năm mô hình của anh Diệp xuất ra thị trường khoảng 30 vạn ốc giống, 70 - 80kg trứng ốc, 5 - 7 tạ ốc thương phẩm và khoảng 50 tấn phân trùn quế. Sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm.
Anh Phạm Tiến Quân, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) đầu tư máy móc hiện đại để cấy lúa.
“Cứu” ruộng hoang
Giống như bao bạn trẻ khác, anh Phạm Tiến Quân, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) từng cố gắng trụ ở Hà Nội với nhiều công việc khác nhau hy vọng làm giàu. Sau thời điểm khó khăn do dịch bệnh, năm 2019, anh Quân quyết định về quê tìm hướng đi mới. Nhận thấy nhiều người dân lựa chọn vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp không mặn mà với đồng ruộng, anh quyết định thuê, mượn lại đất của bà con để trồng lúa. Hành trình “cứu” ruộng hoang của chàng trai trẻ bắt đầu từ đó. Với 5 mẫu ruộng tích tụ được, anh Quân thuê máy móc, nhân công để tập trung sản xuất. Thời gian đầu, do ruộng nằm rải rác nhiều nơi trên cánh đồng nên việc canh tác của anh gặp rất nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Khó khăn là vậy nhưng anh Quân vẫn quyết tâm gắn bó với đồng ruộng.
Sau 2 năm miệt mài, những giọt mồ hôi, công sức của anh nông dân trẻ xã Thụy Ninh đã được đền đáp xứng đáng khi thu về lợi nhuận cao từ việc cấy lúa. Với hy vọng làm ăn lớn, anh Quân lại tiếp tục đến từng hộ động viên người dân đổi ruộng, cho thuê lại ruộng để quy vùng sản xuất tập trung, mở rộng diện tích lên 60ha. Để thuận tiện cho việc sản xuất, anh mạnh dạn vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư các loại máy hiện đại: máy cày, máy cấy, máy phun thuốc...
Anh Quân cho biết: Nhờ quy vùng sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại nên việc sản xuất của tôi rất dễ dàng và tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Sản lượng mỗi năm đạt 200 tấn, cho thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tôi còn hỗ trợ việc làm cho 6 - 7 lao động thường xuyên trong thôn với mức thu nhập khoảng 200.000 đồng/người/ngày.
Mô hình chăn nuôi của anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) cho thu nhập cao.
Thầy giáo “về vườn”
Vốn đã quen với công việc cầm phấn, đứng trên bục giảng nhưng anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) đã khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định trở thành nông dân chính hiệu.
“Nhiều người cũng nói là biết gì về nghề nông mà làm. Gia đình cũng hy vọng tôi kiên trì theo nghề giáo đã chọn. Nhưng có những thời điểm bản thân phải đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Để xây dựng mô hình chăn nuôi cần vốn rất lớn nhưng may mắn được Hội Nông dân xã cho vay vốn nên tôi quyết tâm triển khai mô hình” - anh Cường cho biết.
Bắt đầu làm quen với nghề nông từ vài mẫu ruộng chuyển đổi, anh Cường vay mượn thêm để đầu tư xây chuồng nuôi lợn, ao nuôi cá. Sau khi mô hình cho thu lợi nhuận, anh lại mạnh dạn nuôi thêm gà, bồ câu để tận dụng diện tích trống và thực hiện mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”. Thế nhưng khó khăn cũng bắt đầu đến với anh, bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 khiến mọi công sức “đổ sông đổ bể”. Chấp nhận đối mặt với thất bại, anh tiếp tục tái đầu tư và nuôi thêm bò thịt, bò giống để duy trì sản xuất. “Người tính không bằng trời tính”, mô hình của anh thêm một lần nữa đối mặt với khó khăn khi đàn bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Sau 2 lần thất bại, anh Cường thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ về quãng thời gian sóng gió ấy, anh Cường cho biết: Khi ấy tôi không có nhiều kinh nghiệm phòng, trị bệnh nên số lượng bò ngày càng giảm. Sau 2 lần thất bại tôi cũng cảm thấy nản chí nhưng được sự động viên, hỗ trợ của gia đình nên tôi cố gắng đứng lên làm lại từ đầu. Tôi bắt đầu đi học hỏi, tham quan các mô hình lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi khép kín để bảo vệ đàn vật nuôi.
Từ diện tích rộng 2 mẫu, anh Cường đã dần mở rộng lên hơn 8 mẫu nuôi 30 con lợn nái, 200 con lợn thịt và 40 con bò New Zealand. Sau 8 năm kiên trì, anh đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Nông dân trẻ là lực lượng nòng cốt trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn. Nhiều tấm gương nông dân trẻ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo động lực để nhiều nông dân trẻ ở các địa phương tự tin vươn lên làm giàu với các mô hình mới. Tuy nhiên, họ vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế do thiếu vốn, kinh nghiệm và quỹ đất. Thời gian tới, tổ chức hội nông dân mong muốn các cấp, ngành, cơ quan liên quan sẽ quan tâm hỗ trợ, có cơ chế phù hợp để nông dân trẻ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sức trẻ đầu tư cho sản xuất, chung tay giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
Nguyễn Triệu
Tin cùng chuyên mục
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng