Thứ 7, 11/01/2025, 10:16[GMT+7]

Tiền Hải: Hiệu quả kinh tế từ nuôi ngao

Thứ 5, 09/11/2023 | 07:41:44
6,469 lượt xem
Phát huy lợi thế vùng ven biển, những năm qua, người dân Tiền Hải chú trọng nuôi trồng, khai thác đa dạng các loài nhuyễn thể, trong đó nghề nuôi ngao là chủ lực, qua đó góp phần giảm hộ nghèo, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.

Ngao được thương lái thu mua ngay tại cảng Cửa Lân.

Có dịp về Nam Thịnh, xã có truyền thống nuôi ngao của huyện Tiền Hải, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh người dân thu hoạch ngao. Theo chiếc thuyền chuyên đi thu hoạch ngao của gia đình anh Nguyễn Văn Huy ra bãi ngao, sau khi thủy triều rút, những bãi triều nuôi ngao hiện ra trải dài mênh mông. 

Anh Huy chia sẻ: Năm 2000 gia đình tôi bắt đầu nuôi ngao, ban đầu chỉ nuôi ngao thương phẩm nhưng giờ tôi nuôi thêm cả ngao giống. Làm nghề này vất vả, tất cả phụ thuộc vào con nước, lúc thì làm từ 5 giờ chiều, có thời điểm đi từ 3 giờ sáng. Hiện gia đình tôi có 4ha nuôi ngao, với mật độ thả 7 triệu con giống/ha, sau 16 - 30 tháng sẽ cho thu hoạch 70 - 80 tấn. Năm nay giá ngao trung bình 8.000 - 9.000 đồng/kg, trừ chi phí thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Để nuôi ngao thương phẩm thành công, bên cạnh yếu tố thời tiết phải có kỹ thuật, biết tính toán về kích cỡ, thời điểm thả sao cho hợp lý.

Đến bãi nuôi ngao của gia đình chị Vũ Thị Thắm ở thôn Thiện Châu, chúng tôi được trải nghiệm lội bãi thu hoạch ngao với gia đình. Chị Thắm tâm sự: Gia đình đã làm nghề này được gần 20 năm. Có thời điểm nuôi ngao trúng đậm, người dân ví ngao như “vàng trắng” nhưng có những lúc thất thu, mất mùa, ngao chết, chúng tôi mất hết cả vốn lẫn lãi. Hiện tại gia đình có 3ha nuôi ngao, ngao tự ăn phù du trên bãi, người nuôi không phải chi phí thức ăn nên nếu thuận lợi thì khi thu hoạch lãi gấp 3 lần so với vốn bỏ ra. Thời gian gần đây thị trường tiêu thụ cũng tốt, thương lái mua ngao cỡ nhỏ nên cũng hạn chế một phần rủi ro.

Người dân xã Nam Thịnh gia cố lại vây bảo vệ ngao nuôi trên bãi triều.

Xã Nam Thịnh có diện tích bãi triều rộng hơn 3.000ha, chủ yếu là bùn pha cát với bùn nhuyễn. Bên cạnh đó, chế độ nhật triều thuần nhất, mực nước lên xuống trong ngày nên rất phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của ngao. 

Ông Trần Văn Hới, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Xã có hơn 220 hộ nuôi ngao thương phẩm và sản xuất ngao giống với diện tích khoảng 800ha, tổng sản lượng ngao thương phẩm mỗi năm 9.000 - 10.000 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở ngoài tỉnh và xuất khẩu đi Trung Quốc và một số nước. Nhờ nuôi ngao mà nhiều người đã vươn lên có cuộc sống khá, thậm chí một số hộ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, nghề này còn tạo việc làm thời vụ cho 400 lao động tại địa phương. Điển hình như gia đình ông Trần Đức Thủy, thôn Thiện Tường nuôi 35 - 40ha ngao thương phẩm và sản xuất ngao giống, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động; gia đình ông Trương Văn Miễn, thôn Thiện Châu nuôi hơn 10ha ngao thương phẩm, tạo việc làm cho 10 lao động...

Bên cạnh nuôi ngao thương phẩm, vài năm gần đây người dân các xã ven biển Tiền Hải còn phát triển nghề nuôi ngao giống. 

Ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Cường cho biết: Tổng diện tích nuôi ngao của xã hơn 40ha, chủ yếu nuôi ngao giống. Hiện xã có 70 - 80 gia đình phát triển kinh tế từ mô hình này. Nếu như năm 2022 thu nhập hơn 600 triệu đồng/ha thì đến năm 2023 thu nhập đạt hơn 950 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng/ha. Bên cạnh yếu tố thời tiết thuận lợi, năm nay ngao giống cũng được giá hơn mọi năm. Đặc biệt, các thương lái chủ yếu mua giống ngao vạn (khoảng 500 - 600 vạn con/kg với giá 3 triệu đồng) và ngao nghìn (khoảng 2.000 con/kg với giá 1 triệu đồng), xuất bán ngao bé, thời gian nuôi ngắn, vừa đỡ mất chi phí chăm sóc vừa được giá nên thu nhập của người dân cũng tăng. Từ nghề nuôi ngao giống đã giúp bà con địa phương có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các người nuôi ngao là thị trường tiêu thụ và giá cả bấp bênh, diện tích nuôi bị thu hẹp, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất thường, ứng dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế, thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các cơ sở nuôi giống và nuôi thương phẩm. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường biển đang là mối đe dọa lớn nhất đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi ngao.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện 5.142ha (tăng 48ha so với năm 2022), trong đó diện tích nuôi ngao 2.024ha, chủ yếu ở các xã Nam Thịnh, Nam Cường, Nam Phú... Tính đến tháng 9/2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 75.000 tấn, trong đó ngao hơn 64.000 tấn. Để nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi ngao nói riêng phát triển bền vững, ngay từ đầu năm các ngành chuyên môn của huyện đã phối hợp với địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân lựa chọn con giống, các biện pháp kỹ thuật, xử lý tốt ao đầm, bãi triều để nuôi ngao. Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu, phấn đấu có thêm sản phẩm OCOP từ ngao. Tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản. Bên cạnh đó, các hộ dân phải tập trung xây dựng, quy hoạch, liên kết sản xuất, áp dụng các quy chuẩn an toàn của quốc gia, quốc tế. 

Nguyễn Thắm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày