Thứ 4, 07/08/2024, 20:25[GMT+7]

Thái Thành Mở rộng diện tích gieo sạ và đẩy sớm lịch thời vụ

Thứ 3, 23/07/2013 | 14:02:56
3,232 lượt xem
Đến ngày 5/7, xã Thái Thành (Thái Thụy) đã hoàn thành gieo cấy 100% diện tích lúa mùa, trước 15 ngày so với kế hoạch. Việc đẩy sớm lịch thời vụ, kết hợp mở rộng 77% diện tích gieo sạ ở vụ này là bước chuyển lớn trong tư duy sản xuất của người nông dân nơi đây.

Nông dân xã Thái Thành tỉa dặm lúa gieo sạ.

Thời tiết những ngày giữa tháng 7 mưa nắng đan xen đã tạo thuận lợi cho lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt. Có mặt tại cánh đồng thôn Tân Xuân, chúng tôi thấy bà con bận rộn với công việc: bón phân, làm cỏ, bắt ốc bươu vàng, tỉa dặm lúa. Trưởng thôn Nguyễn Thị Lọt phấn khởi khoe: “So với thôn khác, đồng ruộng của Tân Xuân úng trũng nhất nhưng mấy năm nay nhân dân vẫn tích cực gieo sạ thay vì cấy lúa truyền thống. Bà con gieo sạ cả 2 vụ, diện tích năm sau cao hơn năm trước, riêng vụ này đạt khoảng 90% diện tích nên đã giảm rất nhiều công lao động, chi phí đầu vào và rút ngắn thời vụ”. Minh chứng thêm lời chị Lọt, bà Nguyễn Thị Bầu chia sẻ: “Nhà tôi có 2,2 mẫu ruộng, trước kia riêng cấy đã mất 20 ngày chưa kể thời gian làm đất gieo mạ rất vất vả. Nhưng 4 năm nay, tôi chuyển sang gieo sạ 2 mẫu, 2 sào úng trũng không gieo được buộc phải cấy.

Thời gian cả gieo và cấy vẻn vẹn đúng 3 ngày, lợi đủ mọi bề. Nửa tháng trước mộng mới ném xuống mà nay lúa đã vươn dài cả gang, phủ kín một màu xanh mướt. Hiện nay tôi tập trung tỉa dặm, chăm bón, hy vọng thời tiết thuận lợi để có thêm vụ mùa thắng lợi”. Chung niềm vui với bà Bầu, ông Nguyễn Văn Bồi (thôn Tuân Nghĩa) cho biết: “Gieo sạ không chỉ giúp nông dân tiết kiệm công, giảm chi phí mà lúa cứng cây, đẻ nhánh rất khỏe, nhiều dảnh cái, cho bông to, hạt mẩy nên năng suất thường cao hơn so với lúa cấy khoảng 10 kg/sào. Ví như nhà tôi có 1,2 mẫu, vụ xuân vừa rồi gieo sạ 12 sào; trong đó 5 sào giống lúa CR36 năng suất đạt 282 kg/sào, còn lại 7 sào giống BC15 đạt 268 kg/sào. Còn vụ mùa này, toàn bộ diện tích chỉ gieo sạ trong 1 ngày, giờ bỏ thêm 4 công dặm, nếu thuận lợi 3 tháng nữa là đem thóc về nhà”.

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Phạm Hùng Khiên chia sẻ: Thái Thành là xã nghèo, thuần nông, đời sống nhân dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định phải chuyển đổi phương thức sản xuất từ cấy truyền thống sang gieo sạ để giúp nông dân bớt nhọc nhằn, giảm chi phí đầu vào.

Năm 2009, Thái Thành mới có một số hộ gieo sạ, năm 2010 HTX xây dựng mô hình gieo sạ thử nghiệm tại thôn Phúc Tân để bà con tận mắt chứng kiến hiệu quả thực tế. Sau khi thấy rõ lợi ích, diện tích gieo sạ ở Thái Thành tăng mạnh: năm 2011 đạt 112 ha, năm 2012 đạt 250 ha, vụ xuân năm 2013 đạt 300 ha, đến vụ mùa này diện tích gieo sạ đạt 330 ha/432 ha, nhiều nhất huyện. Để có diện tích gieo sạ lớn như vậy, ngoài đề án sản xuất chung, HTX xây dựng kế hoạch, tổ chức gieo sạ rất bài bản, cụ thể và chi tiết.

Đầu tháng 6, tuyên truyền vận động nhân dân thu hoạch lúa xuân đến đâu làm đất ngay đến đó cho kịp thời vụ. Họp với các thôn bổ khuyết đề án, quy hoạch vùng gieo sạ nhất thiết phải thực hiện nguyên tắc 3 cùng: cùng 1 vùng, cùng ngâm mạ, gieo trong 1 ngày. Trích kinh phí 10 triệu đồng hỗ trợ nhân dân diệt chuột bảo vệ sản xuất, đồng thời cung ứng đủ lượng giống, phân bón có chất lượng phục vụ sản xuất. Tổ thủy nông thường xuyên bám sát đồng ruộng điều hành tưới tiêu hợp lý bảo đảm rút cạn nước vùng gieo sạ nhưng phải giữ đủ nguồn để phục vụ việc cấy lúa. Ngày 29/6, nhân dân Thái Thành đồng loạt ra đồng gieo sạ, đến ngày 3/7 hoàn thành gieo 330 ha, ngày 5/7 toàn xã gieo cấy xong toàn bộ diện tích. Thực tế sản xuất ở Thái Thành đã chứng minh: Gieo sạ nông dân không mất công gieo - nhổ mạ và tiền mua nilon để che phủ, tiết kiệm 1/3 lượng giống, 1 người gieo 1 mẫu/ngày trong khi 1 người chỉ cấy được 1 sào ruộng/ngày (trung bình mỗi sào tiết kiệm 200.000 đồng so với cấy lúa).

Ngoài những lợi ích trên, gieo sạ còn rút ngắn được thời vụ: nếu như trước đây để hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích, phải kéo dài khoảng 1 tháng thì nay chỉ gieo trong 7 ngày. Hơn nữa, vùng gieo sạ được tỉnh hỗ trợ 100% thuốc trừ cỏ nên bà con rất phấn khởi. Toàn xã hiện có hàng trăm hộ bỏ cấy chuyển sang gieo sạ, trong đó thôn Phúc Tân có một số gia đình thuê ruộng của xã Thái Phúc gieo sạ tập trung từ 10 đến 15 mẫu. Anh Khiên đúc kết kinh nghiệm: Đẩy sớm lịch thời vụ từ 10 đến 15 ngày, cây lúa sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn, thường trỗ vào thời điểm từ mùng 5 đến 15/9, không chỉ tránh được lứa sâu đục thân cuối vụ, cho bông to, hạt mẩy mà còn thu hoạch sớm, tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Vì vậy, từ năm 2009 đến nay, lúa của Thái Thành luôn được mùa, năng suất lúa đạt từ 12,5 đến 13 tấn/ha/năm, nằm trong tốp đầu những xã khu Nam huyện.

Hiện nay, lúa mùa của Thái Thành  sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. HTX tổ chức điều tiết nguồn nước hợp lý, đôn đốc xã viên tập trung bón thúc cho lúa bằng phân tổng hợp NPK và kết thúc bón trước ngày 30/7. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng diệt chuột, ốc bươu vàng, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại. Vụ này, xã quy vùng cấy 30 ha lúa giống BC15 cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình để tăng giá trị sản xuất. Tuy nhiên, theo lời anh Khiên: Dù tích cực thực hiện các biện pháp thâm canh, lúa của Thái Thành luôn đạt năng suất cao nhưng giá bán sản phẩm thời gian qua quá thấp trong khi chi phí đầu tư tăng cao nên chủ yếu vẫn là lấy công làm lãi. Vì vậy, bà con mong muốn Nhà nước sớm có cơ chế hỗ trợ đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, tổ chức tiêu thụ nông sản để họ yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày