Thứ 7, 11/01/2025, 14:56[GMT+7]

Thái Thụy: Thúc đẩy chuyển đổi số hợp tác xã

Thứ 6, 08/12/2023 | 08:16:54
4,637 lượt xem
Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Thụy không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm.

Chuyển đổi số góp phần thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất của Hợp tác xã Nông dược Gotafarm (xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy).

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy cho biết: Tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn huyện có hơn 60 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng doanh thu năm 2022 đạt hơn 70,4 tỷ đồng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song các HTX đã hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Nhiều HTX sau khi được thành lập hoạt động hiệu quả, công tác quản lý, điều hành chặt chẽ, tạo niềm tin và ngày càng mở rộng kết nạp thành viên. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua các mạng xã hội như zalo, facebook, youtube, tiktok... và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Postmart.vn, Voso.vn... So với các phương thức tiêu thụ sản phẩm truyền thống, TMĐT đã mở thêm cơ hội mới, giúp các HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng không giới hạn không gian qua môi trường mạng.

HTX Trường An ở thôn Tri Chỉ Nam, xã Thụy Trường thành lập năm 2019, lĩnh vực hoạt động chính là trồng và tiêu thụ tỏi. Hiện HTX có 10 thành viên tham gia trồng tỏi với diện tích 7ha. Sau khi người dân thu hoạch, HTX sẽ thu mua và tiến hành phơi khô, làm sạch, đóng thành sản phẩm. Mỗi năm, HTX thu mua và bán ra thị trường hơn 50 tấn tỏi tươi và tỏi khô, doanh thu đạt 730 triệu đồng. Phát triển ý tưởng kinh doanh từ sản phẩm nông sản đặc trưng địa phương, HTX đã nghiên cứu và chế biến thành công thêm nhiều sản phẩm khác từ tỏi như tỏi đen, tỏi đen ngâm mật ong, rượu tỏi đen... Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã đầu tư 1 máy làm tỏi đen (công suất 1 tạ tỏi khô/mẻ/50 ngày) và kho bảo quản. Một tạ tỏi khô sau chế biến được 40 - 45kg tỏi đen, với giá bán 350.000 - 400.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 8 triệu đồng/mẻ, doanh thu từ tỏi đen 100 triệu đồng/năm. 

Bà Phạm Thị Dung, đại diện HTX Trường An chia sẻ: Ngoài bán hàng trực tiếp theo hình thức truyền thống, HTX còn đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT.  Nhờ có sàn TMĐT, các sản phẩm của HTX được tiêu thụ trong toàn quốc. Việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT giúp các thành viên HTX thay đổi phương thức bán hàng. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi chú trọng hơn đến việc thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm bắt mắt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nếu như trước đây 100% sản phẩm của HTX tiêu thụ theo hình thức truyền thống (bán lẻ tại chợ, qua thương lái) thì từ đầu năm 2020 đến nay 80% sản lượng tỏi của HTX được tiêu thụ chủ yếu trên các mạng xã hội như zalo, facebook... 11 tháng năm 2023, HTX đã đưa ra thị trường 51 tấn tỏi các loại và các sản phẩm chế biến từ tỏi, góp phần tăng doanh thu và xây dựng thương hiệu sản phẩm của HTX.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu và là yêu cầu cấp thiết của các HTX hiện nay. Do đó, việc các HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng phải chủ động thay đổi phương thức bán hàng, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh để thích ứng với xu thế là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững. HTX Đại Đồng, xã Thụy Hải có 38,7ha đất sản xuất (đang sản xuất 8ha), sản lượng muối khoảng 400 tấn/năm, giá bán 3.500 - 5.000 đồng/kg, doanh thu bình quân 1,7 tỷ đồng/năm. 

Ông Nguyễn Trọng Bằng, Giám đốc HTX cho biết: Trong niên vụ muối 2022 - 2023, HTX còn 60 tấn muối. Để tìm kiếm thị trường, nâng cao giá trị muối Đại Đồng, HTX đã quan tâm hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Bởi sự kết hợp giữa hình ảnh, màu sắc và những thành phần khác trên bao bì sẽ thu hút thị giác người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, thời gian gần đây chúng tôi được tham gia tập huấn về ứng dụng TMĐT trên các nền tảng zalo, facebook... và tham gia các hội chợ trong tỉnh. Từ khi quảng bá trên mạng xã hội, sản phẩm tiêu thụ nhiều hơn. Tôi mong muốn khi ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quảng bá sản phẩm, sản phẩm của HTX sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, bà con diêm dân sẽ không lo về đầu ra cũng như giá sản phẩm.

Sản lượng muối của HTX Đại Đồng (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) đạt khoảng 400 tấn/năm.

Việc ứng dụng công nghệ số tại HTX nông nghiệp giúp tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguồn lực của HTX (đất, nước, phân bón...); tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; giúp giảm tác động xấu cho môi trường; giảm thiểu rủi ro về kinh tế, tăng năng suất lao động; tăng thu nhập cho thành viên HTX, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh cho HTX; gắn chuyển đổi số tại các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp với xây dựng sản phẩm OCOP tại địa phương. 

Ông Nguyễn Hữu Hà cho biết thêm: Sản phẩm OCOP được hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đối với chủ thể là HTX, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng/chủ thể, cơ chế này thực hiện đến hết năm 2023. Hiện một số HTX có sản phẩm OCOP đã xây dựng website, trang fanpage để tự giới thiệu sản phẩm, khách hàng có thể ngồi tại nhà lựa chọn và đặt hàng để được giao hàng tận nơi. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đều có mã vạch, tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, khi thực hiện chuyển đổi số, thành viên HTX đã biết sử dụng điện thoại thông minh và internet để quảng bá sản phẩm. Hiện có 2 HTX đã cấp mã số vùng trồng (HTX SXKD DVNN Thụy Dân và HTX SXKD DVNN Thụy Dương). Mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn vẫn chậm đổi mới, chưa bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số. Hầu hết các HTX nông nghiệp mới dừng lại ở một số khâu như dán tem, mã QR, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT. Phần lớn HTX nông nghiệp vẫn sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống, khả năng nắm bắt, tiếp cận công nghệ thông tin của đội ngũ quản lý và thành viên HTX còn hạn chế. Việc đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn.

Sản phẩm tỏi đen của HTX Trường An (xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy) được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy tiếp tục tăng cường tập huấn về chuyển đổi số cho các HTX với hình thức “cầm tay chỉ việc”, tập trung hướng dẫn cách thức tạo lập gian hàng, kỹ năng đăng tải hình ảnh, bài viết giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT, mạng xã hội, phương thức thanh toán điện tử khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử...

Nguyễn Thắm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày