Thứ 6, 09/05/2025, 00:36[GMT+7]

Thái Thụy Chủ động phòng chống úng bảo vệ lúa mùa và cây vụ đông

Thứ 6, 26/07/2013 | 10:31:28
1,127 lượt xem
Thái Thụy là địa phương ven biển, có nhiều vùng thấp trũng xen kẽ nên khi xảy ra mưa to bão lớn thường bị ngập sâu. Bước vào mùa mưa bão năm nay, cùng với tập trung tu bổ, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét mương máng, khơi thông dòng chảy, huyện đã xây dựng phương án phòng, chống úng cụ thể, chi tiết đến từng vùng, tính đến các tình huống xấu nhất nhằm bảo vệ an toàn cho 13.500 ha lúa mùa và các vùng trồng cây màu, cây vụ đông.

Huyện đoàn Thái Thụy huy động đoàn viên 9 xã tham gia vớt bèo bồng, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất.

Thái Thụy có 1.473 ha đất canh tác vùng úng trũng thuộc 2 lưu vực Bắc và Namon>. Trong đó, 850 ha vào diện trũng, thường bị úng nặng thuộc các xã Thái Hồng, Thái Thủy, Thụy Ninh, Thụy Phúc, Thụy Chính. Hệ thống các công trình phục vụ điều tiết tiêu và chống úng cho 2 lưu vực trên gồm: 36.850 m bờ bao vùng, 30.000 m đường bờ bao nội vùng, 2 trạm bơm tiêu lớn với 5 máy công suất 1.800 m3/h và 33 máy công suất 4.000 m3/h, ngoài ra còn có một số trạm bơm  công suất nhỏ và nhiều cống đập; hệ thống sông trục cấp 1 dài 99,1 km, sông liên xã và sông trục xã dài trên 500 km.

Ông Phạm Hữu Thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Tiểu ban chống úng của huyện cho biết: Do là huyện biển, địa hình phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp của chế độ nhật triều trong khi việc tiêu úng của Thái Thụy phụ thuộc rất lớn vào chế độ thủy triều và chỉ thực hiện hiệu quả khi nước triều thấp. Số lượng cống đập tưới tiêu trên địa bàn lớn, nhưng nhiều công trình xây dựng từ lâu đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống sông trục, kênh dẫn bị bồi lắng, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi ảnh hưởng không nhỏ đến việc tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Để khắc phục những hạn chế trên, Thái Thụy chủ động xây dựng phương án phòng chống úng sớm, kế hoạch thực hiện sát với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng lưu vực. Phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên trực, theo dõi từng vùng úng. Chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi. Huyện cũng huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện nạo vét sông dẫn, làm thủy lợi mặt ruộng với tổng khối lượng đào đắp 443.000 m3.

Từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí, các HTX đã nâng cấp 35 hạng mục công trình thủy lợi với tổng kinh phí 5,25 tỷ đồng. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cũng đã  nạo vét sông N2, đoạn từ xã Thụy An đến xã Thụy Trường, sông Duyên Thanh, sông Chính Duyên với tổng khối lượng 19.949 m3; đầu tư 3,525 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp các hạng mục một số cống dưới đê. Xí nghiệp và các HTX cũng đã giải phóng được 1.319.980 m2 rau bèo các loại, tháo dỡ 59 đăng đó, 125 bối cá, 1 cầu tạm trên sông trục… tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất. Các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.

Thực hiện phương án phòng, chống úng, từ đầu mùa mưa bão đến nay Thái Thụy thực hiện tiêu thường xuyên, hạ thấp mực nước trong toàn hệ thống để phòng úng là chính. Cụ thể, trong tháng 6 và đầu tháng 7, toàn bộ hệ thống tổ chức điều tiết, lấy đủ nước cho nông dân làm đất, gieo cấy lúa mùa đúng trong khung thời vụ. Ngay sau mỗi đợt lấy nước chung cho từng hệ thống để dâng nước cho vùng cao, vùng vàn đã thực hiện hạ thấp mực nước ở các sông trục để tiêu nước cho vùng trũng. Khi lúa mùa vừa cấy xong, toàn bộ hệ thống chỉ duy trì mực nước vừa đủ để bơm tát, thậm chí chấp nhận để hạn cục bộ ở một số vùng khó khăn.

Trong thời kỳ này, khi có tin áp thấp nhiệt đới, tin bão gần có khả năng đổ bộ vào địa bàn, tất cả các cống tranh thủ tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn xảy ra. Những ngày qua, mưa kéo dài trên diện rộng với lượng 200 mm và trùng vào kỳ tiêu thuận, toàn bộ hệ thống mở hết các cống rút cạn nước nên không để xảy ra úng cục bộ tại các vùng trũng, lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ. Nếu mưa vẫn tiếp tục, ngoài sông có lũ với báo động 2 trở lên mà các cống vùng thượng lưu sông Trà Lý, sông Hóa không tiêu được, phương án tiêu lúc này sẽ phải kết hợp cả tiêu tự chảy và vận hành các trạm bơm để tiêu bằng động lực.

Từ cuối tháng 8 trở đi, khi lúa đã phát triển tốt, nếu mưa 200 mm trở xuống thì tiêu tự chảy là chủ yếu, nếu mưa trên 200 mm trở lên đồng thời phải tiêu cả tự chảy và động lực. Năm nay, Thái Thụy phấn đấu trồng 5.000 ha cây vụ đông. Bảo đảm cho toàn bộ diện tích sinh trưởng và phát triển tốt, ngay từ đầu tháng 5 huyện chỉ đạo các xã lập kế hoạch, quy hoạch vùng trồng kết hợp với phương án tưới tiêu nước hợp lý. Trước khi gặt lúa mùa, tiếp tục huy động nhân lực, phương tiện nạo vét kênh mương, cải tạo hệ thống thủy lợi mặt ruộng, kiểm tra các trạm bơm tiêu, chủ động bố trí bơm dầu, bơm lưu động để sẵn sàng bơm tiêu cho các vùng trồng cây vụ đông khi xảy ra mưa úng.

Dù đã nỗ lực, tích cực trong công tác phòng, chống úng nhưng thiên tai diễn biến bất thường, khó lường, trong khi hạ tầng thủy lợi của huyện còn nhiều bất cập. Vì vậy, ngoài sự chủ động của địa phương, Thái Thụy đề nghị Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét các sông tiêu chính, nhất là xây dựng, nâng cấp các trạm bơm tiêu cho khu vực úng trũng ở Thái Thủy, Thái Hồng, Thụy Dân, Thụy Phúc… để đáp ứng tốt yêu cầu tiêu úng nhanh khi mưa to lũ lớn xảy ra, phục vụ sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại và bảo vệ đời sống dân sinh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày