Thứ 2, 25/11/2024, 19:36[GMT+7]

Khấm khá từ quất tết

Thứ 7, 30/12/2023 | 14:12:46
1,974 lượt xem
Ở xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình), nhiều gia đình hội viên phụ nữ trở nên khá giả nhờ trồng quất tết.

Mỗi năm vườn quất của vợ chồng bà Dương Thị Thúy cung cấp ra thị trường hơn 200 cây quất cảnh.

Với 6 sào quất, mỗi năm vợ chồng bà Dương Thị Thúy, thôn Trần Phú cung cấp ra thị trường hơn 200 cây quất cảnh thế truyền thống. Những cây quất này được xuất bán sau 2 - 3 năm trồng, chăm sóc. Bà Thúy cho biết: Trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả, gia đình chuyển đổi sang trồng quất, đào ao thả cá và trồng các loại cây ăn quả được 11 năm nay. Trong đó, quất cho thu nhập cao nhất. Như năm nay, từ đầu tháng 11 âm lịch khách buôn đã đến đặt cọc hết cả vườn. Tính ra gia đình thu lãi hơn 160 triệu đồng. Nếu nhà vườn nào có kỹ thuật cao hơn thì còn thu lãi nhiều hơn nữa. 

Theo ông Phạm Văn Ngọc, chồng bà Thúy: Thực tế cho thấy cây quất không quá khó chăm nhưng để tạo ra được dáng, thế quất đẹp như mong muốn lại rất cần có kỹ thuật và kinh nghiệm làm vườn. Vì vậy, với tình yêu nông nghiệp, vợ chồng tôi cũng như các nhà vườn khác trong xã cũng đã quen thuộc với đồng đất, hiểu “tính đất” và cây nên đến nay đã cho ra thị trường nhiều mẫu mã đẹp, đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cũng ở thôn Trần Phú, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Kiều trồng quất cảnh, quất giống, quất lấy quả trên diện tích gần 2.000m2. Trong đó khoảng 500m2 trồng quất cảnh, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 200 cây. Bà Kiều chia sẻ: Bên cạnh trồng quất, chồng tôi đi làm thợ xây nên gia đình cũng chỉ trồng quất bệt chứ không trồng trên chum, chậu, tạo dáng. Với quất cảnh, gia đình thu lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm. So với cấy lúa hiệu quả hơn nhưng quỹ thời gian thì dành nhiều hơn.

Từ sản xuất những cây quất đơn giản, truyền thống, hiện nay nhiều gia đình phụ nữ trồng quất ở Đông Thọ đã trồng được những dáng, thế độc đáo đem lại giá trị kinh tế cao. Bà Đặng Thị Hòa, hội viên phụ nữ thôn Trần Phú chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi chỉ làm quất chum với các cây to, nhỏ đa dạng. Những năm gần đây, vợ chồng tôi chuyển sang làm quất bonsai, quất mini, ghép cây quất trên những khúc cây, tảng đá có dáng, thế đẹp để bán trong dịp tết. Cùng với đó là nhân giống quất cẩm thạch, mai phục vụ thị hiếu người tiêu dùng. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình cũng thu về vài trăm triệu đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Kiều (người bên trái) trồng quất cảnh, quất giống, quất lấy quả trên diện tích gần 2.000m2.

Nghề trồng quất cảnh đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình ở Đông Thọ. Thế nhưng, đằng sau những sắc màu rực rỡ của cây quất chưng tết là câu chuyện về những buồn vui. Theo các nhà vườn, nghề trồng quất như “bán tết cho thiên hạ”. Trước tết thì lo chăm cây, sau tết lại tất bật chăm sóc cho kịp lứa mới. Không chỉ mất công sức, tốn chi phí mà các hộ phải đối mặt với nhiều rủi ro như gió bão, thời tiết bất lợi và cả việc bấp bênh về đầu ra. Có năm quất đẹp nhưng sức mua ì ạch.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thọ: Toàn xã có 77 hộ trồng cây quất, cây cảnh với tổng diện tích 11ha. Trong đó tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Trần Phú, Lam Sơn, Quang Trung, với hơn 60 hộ, phần lớn là trồng quất cảnh. Cây quất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa nên ngoài vùng trồng quất lâu năm một số gia đình hội viên mở rộng diện tích trồng quất và cây cảnh trong khu vực chuyển đổi của địa phương để tăng thu nhập làm giàu cho gia đình và địa phương.


Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày