Thứ 2, 25/11/2024, 19:52[GMT+7]

Khi nông dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Chủ nhật, 31/12/2023 | 16:25:07
1,717 lượt xem
Nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao là xu hướng tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ. Để nông dân Thái Bình bắt kịp xu thế chung, thời gian qua, hội nông dân các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên thay đổi tư duy, nâng cao trình độ.

Cơ sở sản xuất sản phẩm gia vị của anh Lê Đức Tân, xã Tân Bình (Vũ Thư).

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hiện nay nhiều nông dân Thái Bình còn sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, việc liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo. Để thay đổi tư duy làm nông nghiệp của hội viên, nông dân cần đào tạo những “nông dân chân đất” thành những “nông dân thông thái”, có tri thức, thông tin và chuyên môn hóa. Khi đó, việc sử dụng đồng vốn và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất mới thực sự hiệu quả. 

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hướng đến xây dựng hình mẫu người nông dân “5 mới” đáp ứng yêu cầu hiện nay: nông dân có tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và có quyết tâm mới.

Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, tổ chức hội đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp hội nông dân đã phối hợp đào tạo nghề cho trên 22.900 lượt hội viên, nông dân; tỷ lệ nông dân có việc làm sau học nghề đạt 60%. Tổ chức trên 11.700 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cho trên 1 triệu lượt hội viên ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập các tổ hợp tác, nhóm nông dân sản xuất giỏi, tương trợ, giúp nhau phát triển sản xuất. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tư vấn, hướng dẫn thành lập 102 mô hình kinh tế tập thể; đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến các hoạt động liên kết với doanh nghiệp, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh còn chú trọng đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau là giàu và giảm nghèo bền vững” phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Vận động, thu hút đông đảo hội viên tham gia các chương trình “Tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc”, “Nhà nông đua tài”. Qua đó tạo cơ hội cho hội viên, nông dân giao lưu, trao đổi kiến thức, học tập mô hình sáng tạo hiệu quả trên toàn quốc. Thông qua những hoạt động này giúp người nông dân chuyển đổi từ thụ động “trông trời, trông đất, trông mây” thành nông dân có hiểu biết, chủ động trước các điều kiện thời tiết, hiểu biết thị trường, chuyên môn hóa sâu. Nhờ đó bình xét hàng năm có trên 72% số hộ đạt danh hiệu danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao từ 1,5 – 2 lần so với sản xuất thông thường.

Với những am hiểu về thị trường và ý chí dám nghĩ dám làm, anh Lê Đức Tân, xã Tân Bình (Vũ Thư) đã quyết định làm giàu từ các sản phẩm gia vị, đặc biệt là tương ớt. Theo anh Tân, anh luôn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và sản xuất nhiều sản phẩm mới. Không chỉ dừng lại đó, anh Tân còn mạnh dạn tìm đường đưa gia vị Việt tiếp cận với thị trường Nga và các nước Đông Âu. Mỗi năm doanh nghiệp sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 1.200 tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng. 

Anh Tân cho biết: Cơ sở sản xuất của tôi hiện có đầy đủ các máy móc hiện đại phục vụ sản xuất từ lò hơi, nồi gia công nhiệt đến máy làm mát, máy đảo trộn. Nhờ sản xuất theo công nghệ lên men vi sinh kết hợp với công thức pha chế độc quyền đã mang đến đặc trưng riêng cho sản phẩm của. Hiện tại tôi đang liên kết với các hợp tác xã triển khai trồng 30ha ớt nhằm xây dựng vùng nguyên liệu sạch, bảo đảm tiêu chuẩn.

 Mô hình trồng cây ăn quả của anh Mai Huy Khởi, xã Vũ Hội (Vũ Thư).

Xây dựng mô hình theo hướng tạo ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng cũng là định hướng của anh Mai Huy Khởi, xã Vũ Hội (Vũ Thư). Trên diện tích chuyển đổi rộng hơn 2,7ha, anh Khởi trồng 7.000 gốc cây ăn quả các loại như cam canh, táo, bưởi, nho hạ đen... Anh khởi còn đầu tư lắp đặt hệ thống nhà màng trồng nho, hệ thống tưới nước tự động và sử dụng phân hữu cơ, phun phòng bệnh cho cây bằng chế phẩm sinh học. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên việc chăm sóc cây của gia đình anh rất đơn giản và cho hiệu quả cao. Đặc biệt, được sự hỗ trợ, tư vấn của Hội Nông dân xã, anh Khởi đang hướng tới xây dựng mô hình theo hướng du lịch trải nghiệm nông nghiệp. 

“Việc xây dựng mô hình theo hướng mới đã thu hút  nhiều khách tham quan, học sinh tới trải nghiệm và có nhiều phản hồi tích cực. Thông qua hoạt động này giúp chúng tôi có thể mở rộng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản sạch tới mọi người, nâng cao thu nhập. Tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát triển mô hình để thu hút thêm du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan” – anh Khởi cho biết.

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của hội nông dân các cấp trong tỉnh, hy vọng thời gian tới sẽ giúp hội viên, nông dân phát triển mọi mặt, phát huy tối đa sự sáng tạo. Từ đó đưa nông nghiệp Thái Bình có bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày