Thứ 3, 30/07/2024, 23:27[GMT+7]

Lúa chịu mặn Hy vọng mới cho nông dân vùng biển

Thứ 4, 31/07/2013 | 10:31:58
924 lượt xem
Với bộ giống lúa chịu mặn được khảo nghiệm ở vụ lúa xuân 2013 quy mô 4,248 ha tại khu Tám mẫu, thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải đã cho bà con nông dân vùng ngập mặn niềm hy vọng về những giống lúa chịu mặn tốt, có tiềm năng năng suất cao.

Tham quan mô hình giống lúa chịu mặn tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải.

Thái Bình được đánh giá là một trong những tỉnh ven biển sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong những năm tới. Do đó, những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng, nhất là việc nghiên cứu, tìm kiếm, chọn tạo và cho ra đời những giống lúa mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân và thích nghi được những điều kiện bất thuận của môi trường đang là vấn đề được chính quyền và các nhà khoa học quan tâm.

Với bộ giống lúa chịu mặn được khảo nghiệm ở vụ lúa xuân 2013 quy mô 4,248 ha tại khu Tám mẫu, thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải đã cho bà con nông dân vùng ngập mặn niềm hy vọng về những giống lúa chịu mặn tốt, có tiềm năng năng suất cao.

Xã Nam Cường có diện tích đất canh tác khoảng 73,5 ha với phía đông giáp biển nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do đất canh tác bị nhiễm mặn. Trước thực trạng đó, Trung tâm phát triển sáng tạo xanh thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH và KT) Việt Nam, tổ chức cứu trợ nhân đạo Mercy Relief phối hợp với Liên hiệp Các hội KH và KT Thái Bình thực hiện Dự án “Phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, cải thiện nước sạch và sinh kế bền vững tại xã Nam Cường”.

Ngoài các hoạt động về cung cấp nước sạch, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường, sinh kế bền vững cho cộng đồng… dự án đã triển khai thực hiện khảo nghiệm vụ xuân 2013 với mô hình giống lúa chịu mặn tại diện tích trồng lúa của 34 hộ dân trong xã. Trong quá trình thực hiện, các nhà khoa học đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung cấp vật tư như giống, phân bón, chế phẩm xử lý rơm rạ, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện quy trình kỹ thuật khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn.

Bộ giống lúa khảo nghiệm ở vụ xuân 2013 gồm 5 giống, trong đó giống chịu mặn lúa thuần là M4, M12, M15; giống chịu mặn lúa lai là ZZD001; giống đối chứng lúa thuần TBR45 (đang cấy ở nhiều địa phương). Phương pháp khảo nghiệm bao gồm: Thời vụ gieo mạ trên nền đất cứng từ ngày 28/1/2013 đến ngày 15 - 16/2/2013 đem cấy. Mật độ cấy đối với lúa lai là 30 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm; lúa thuần cấy 38 - 40 khóm/m2, 3 - 4 dảnh/khóm. Trong quá trình khảo nghiệm, tiến hành vãi thuốc xử lý rạ khử H2S: 200ml/sào; phân bón lót trước bừa 25kg/sào; phân bón thúc lần 1 là 8 kg/sào, lần 2 là 4 kg/sào và thúc đòng 1,5 kg/sào.

Nhìn chung, sau cấy, phát triển hồi nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng hơn mọi năm từ 5 - 7 ngày. Các giống M15, ZZD001 có dạng cây gọn, cứng tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển và hạn chế sâu bệnh gây hại. Giống M4 lá mảnh, bông nhỏ, hạt xếp thưa. Các giống khác có bộ lá cứng hơn, bông to, hạt xếp gối và sít. Các giống lúa khảo nghiệm có sức sinh trưởng tốt, riêng giống ZZD001 có thời gian sinh trưởng ngắn nhất là 120 ngày. Giống TBR45 có thời gian sinh trưởng 134 ngày. 3 giống M4, M12, M15 có thời gian sinh trưởng trung bình từ 127 – 130 ngày.

Về khả năng chống chịu, các giống khảo nghiệm đều có  khả năng chống đổ tốt, không bị nhiễm bệnh đạo ôn, khô văn, khả năng nhiễm rầy nâu thấp, chịu mặn cao. Số bông ở giống chịu mặn đạt từ 280 - 322 bông/m2, cao hơn giống đối chứng từ 161 - 186 bông/m2. Qua đánh giá, giống cho năng suất cao là M15: 287 bông/m2, số hạt chắc trung bình đạt 131,9 hạt/bông, năng suất 87,1 tạ/ha. Giống TBR45 và M12 cho năng suất 72,9 - 75,7 tạ/ha. Riêng giống M14 cho năng suất thấp nhất (57,6 tạ/ha), giống ZZD001 cho năng suất 62,8 tạ/ha.

Là vùng ven biển vừa chịu sự xâm nhập mặn lại vừa chịu nhiều ảnh hưởng mỗi khi có bão, do đó việc có một giống lúa chịu mặn tốt và sinh trưởng trong thời gian ngắn ngày sẽ giúp ích rất nhiều. Nhiều khi chỉ cần thu hoạch sớm hơn một vài ngày là có thể bao nhiêu công sức của người nông dân không bị đổ xuống sông, xuống biển khi bão về.

So với những giống khác, bộ giống lúa chịu mặn có nhiều ưu điểm vượt trội, nhất là giống M15. Đó là thời gian sinh trưởng ngắn (127 ngày), bông to, trỗ bông tập trung, bông to, được đánh giá là giống có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đạo ôn và đặc biệt là tính chịu mặn tốt. Mong rằng, việc khảo nghiệm giống lúa chịu mặn sẽ sớm được tiếp tục được thực hiện tại nhiều địa phương khác để có kết quả chính xác, góp phần đem lại niềm vui trọn vẹn cho dân vùng biển.

Bài, ảnh: Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày