Thứ 3, 30/07/2024, 07:14[GMT+7]

Nhiều đối tượng sâu bệnh có nguy cơ gây hại lúa mùa

Thứ 4, 31/07/2013 | 10:44:44
248 lượt xem
Vụ mùa năm 2013, các địa phương trong tỉnh cấy rất nhanh, gọn, chênh lệch thời vụ giữa các huyện, thành phố không nhiều; thời tiết từ khi cấy đến nay thuận lợi, chăm sóc tốt nên lúa sau cấy sinh trưởng, phát triển nhanh; dự kiến lúa mùa trỗ tập trung từ ngày 25/8 đến ngày 10/9. Để vụ mùa giành thắng lợi toàn diện, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến các đối tượng sâu bệnh gây hại để có kế hoạch phòng trừ kịp thời, như sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh khô vằn,

Nông dân xã Tân Hòa (Vũ Thư) phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa năm 2013. Ảnh: Nguyên Bình

Kết thúc thời vụ, toàn tỉnh gieo cấy được trên 80.000 ha, tập trung chủ yếu ở hai trà, trà sớm gieo cấy các giống N87, Hương thơm, QR1 kết thúc trước ngày 5/7; lúa mùa đại trà gieo cấy các giống BC15, QR1, TBR1, ĐS1…kết thúc cấy ngày 18/7. Bà Tạ Thị Minh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Với cơ cấu giống lúa trên và tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa mùa hiện nay, cùng với các đối tượng sâu bệnh hiện có trên đồng ruộng, dự báo trong tháng 8, đầu tháng 9 sẽ có nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại lúa mùa.

Thực tế cho thấy, sâu đục thân 2 chấm đã phát sinh gây hại sớm, phân bố rộng và nặng hơn so với vụ mùa cùng kỳ nhiều năm. Sâu đục thân 2 chấm lứa 3 đã gây hại trên mạ mùa sớm gieo dược, lúa tái sinh từ ngày 8/6 đến 25/6; sâu lứa 4 sẽ trưởng thành và vũ hóa từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, sâu non nở từ cuối tháng 7 trở đi gây hại dảnh trên lúa mùa đại trà và gây bạc bông cho trà sớm trỗ đầu tháng 8 đến cuối tháng 8.

Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật, sâu non đục thân 2 chấm nở rộ nhất từ 10 - 20/8, tỷ lệ dảnh héo và bạc bông từ 5 - 10%, nơi cao 20 - 25%, cá biệt có nơi 40 - 60% nếu không được phòng trừ kịp thời. Một số vùng có mật độ sâu cao như Vũ Thư, các xã Nam huyện Hưng Hà, Bắc Kiến Xương và một số xã ở Thái Thụy, Quỳnh Phụ.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, xuất hiện với mật độ cao, kéo dài, hình thành nhiều cao điểm trên đồng ruộng, nhưng phân bố không đồng đều giữa các địa phương. Sâu cuốn lá nhỏ vũ hóa từ ngày 20/7 đến cuối tháng 7 và nở rộ từ ngày 25/7 đến 2/8, chủ yếu hại trên trà lúa trỗ bông từ nay đến 20/8; mật độ trung bình từ 50 - 60 con/m2, nơi cao 80 - 100 con/m2, có nơi 200 con/m2.

Từ trung tuần tháng 8 đến 20/8, trên đồng ruộng tiếp tục có đợt sâu cuốn lá nhỏ nở rộ, mật độ trên diện tích lúa ven sông, ven biển, chân thổ ven làng, vùng trũng lên tới hàng trăm con/m2, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây hại trực tiếp tới lá đòng, làm giảm năng suất. Rầy lứa 5 các loại sẽ nở rộ từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 8, gây hại trên giống nhiễm, trà sớm và lúa mùa đại trà. Dự báo, mật độ phổ biến từ 100 - 300 con/m2, nơi cao 700 - 1.000 con/m2, cá biệt có nơi trên 3.000 con/m2, rầy có khả năng gây cháy lúa trỗ trong tháng 8 và truyền vi rút lùn sọc đen cho trà mùa trỗ bông sau ngày 15/9. Đặc biệt, rầy lứa 6 nở rộ từ trung tuần đến cuối tháng 9 gây hại trên trà lúa mùa đại trà và trà muộn, từ chắc xanh đến đỏ đuôi; mật độ rầy từ 500 - 1.000 con/m2, nơi cao 4.000 - 5.000 con/m2, cá biệt có nơi 10.000 con/m2, gây cháy lúa từ 20/9 trở đi nếu không có biện pháp phòng trừ.

Hiện nay, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện ở một số xã Nam Tiền Hải, vùng đông bắc huyện Thái Thụy, tỷ lệ khóm lúa bị rải rác. Ngoài các đối tượng sâu bệnh hại chính trên, các địa phương và các hộ nông dân cần đề phòng bệnh khô vằn sẽ gây hại ở tất cả các trà lúa, giống lúa, trên chất đất cao bị mất nước thường xuyên và trên ruộng cấy dày, cấy to sẽ bị nặng hơn; bệnh thường xuyên gây hại nặng từ giai đoạn lúa đứng cái làm đòng, mật độ phổ biến từ 5 - 15%, nơi cao 30 - 40%. Cùng với đó là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, nguyên nhân do thời gian qua mưa rào nhiều, đúng vào thời điểm lúa sinh trưởng, phát triển tốt, do đó mức độ gây hại của bệnh bạc lá sẽ cao, chủ yếu trên các giống lúa có bản lá to, mỏng, như BC15, Hương thơm, Bắc thơm; thời điểm gây hại nặng từ 20/8 - 30/9.

Trước diễn biến và dự báo tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại trên lúa mùa, Sở Nông nghiệp & PTNT đã yêu cầu Chi cục và các trạm bảo vệ thực vật tập trung cao độ công tác dự tính, dự báo, đồng thời đề ra các biện pháp phòng trừ chính xác, kịp thời. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả, giúp lúa khỏe, sinh trưởng, phát triển tốt để vụ mùa giành thắng lợi toàn diện. Trước mắt, cần khoanh vùng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm cho trà lúa mùa sớm, trỗ bông trong tháng 8. Riêng huyện Tiền Hải và Thái Thụy cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh lùn sọc đen để có biện pháp phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày