Chủ nhật, 04/08/2024, 01:13[GMT+7]

Quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi

Thứ 6, 19/01/2024 | 06:33:52
1,135 lượt xem
Để phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ công tác tưới, tiêu, phát triển sản xuất; ưu tiên nguồn vốn để triển khai xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất.

Nạo vét kênh Thái An, xã Vũ Đoài (Vũ Thư).

Công trình thủy lợi cống Mang tại K14+350 thuộc xã An Mỹ là công trình quan trọng phục vụ tưới và thoát nước cho 3 xã: An Mỹ, Đồng Tiến, An Dục và một phần xã An Tràng. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, công trình xuống cấp có dấu hiệu sạt lở, co nứt thành cống, không bảo đảm an toàn cho công tác phòng, chống thiên tai. Trước đề xuất của địa phương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây cống Mang mới từ tháng 11/2022 và hoàn thành, bàn giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình quản lý, vận hành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023. Công trình góp phần bảo đảm an toàn tuyến đê hữu Hóa, đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. 

Ông Đỗ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình cho biết: Để đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất các vụ trong năm, Công ty đã thực hiện tu bổ thường xuyên 25 công trình; xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Sa Lung, xã Đông Xuân (Đông Hưng), nạo vét và kè kênh Phú Lạc (Hưng Hà) và nạo vét 9 kênh khác; bảo dưỡng toàn bộ máy đóng mở, các máy bơm, các cống hiện có... Ngoài ra, Công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án tưới, tiêu cho các vùng úng trũng trọng điểm ở 4 huyện do hệ thống quản lý.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, tỉnh đầu tư xây dựng hàng chục công trình (xây dựng, sửa chữa đê, cống, nạo vét kênh...) phục vụ tưới, tiêu, phòng, chống hạn, mặn với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 199 cống dưới đê; 1.498 trạm bơm điện (trong đó có 1.209 trạm bơm tưới, 6 trạm bơm tiêu và 283 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp) với tổng công suất các trạm bơm 893m3/s; trên 2.500km kênh trục dẫn; 2.360 cống đập nội đồng và trên 6.200km kênh mương các cấp. Tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, kiên cố, bảo đảm tưới, tiêu cho sản xuất. Hiện tỉnh quản lý 32 tuyến đê bối, tổng chiều dài hơn 150km, bảo đảm an toàn cho gần 7.600ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 67.700 người dân. 

Ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đến nay, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện, bảo đảm an toàn cho phần lớn diện tích cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhiều công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng cung cấp nước tưới và tiêu thoát lũ; chống sạt lở bờ sông, ứng phó biến đổi khí hậu; nạo vét kênh, mương, sửa chữa bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, xây dựng cống điều tiết, cống kết hợp trạm bơm điện, xây dựng trạm bơm điện... phục vụ sản xuất. Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững, tạo điều kiện tái cơ cấu phát triển sản xuất, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ đột biến, triều cường, xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác quản lý các công trình thủy lợi, nâng cao năng lực trong phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý về an toàn các công trình; làm tốt công tác cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát hệ thống kênh mương để có kế hoạch đầu tư nạo vét, tu bổ nâng cấp, xây dựng các cống điều tiết ngăn mặn, giữ nước nhằm phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Qua đó bảo đảm tưới, tiêu trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thi công kè lát mái kênh Hệ (Thái Thụy).


Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày