Thứ 7, 11/01/2025, 21:58[GMT+7]

Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Thứ 6, 26/01/2024 | 06:53:42
2,672 lượt xem
Vài năm gần đây, thay vì tập trung nâng cao năng suất, nhiều HTX DVNN trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang quy hoạch tập trung thành vùng theo chuỗi giá trị sản xuất. Cách làm sáng tạo này đã làm tăng giá trị sản lượng và nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm.

Mô hình trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGap của HTX DVNN xã An Ấp (Quỳnh Phụ) cho hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy vai trò “bà đỡ” của nông dân

Trước năm 2020, trên một số cánh đồng xã An Ninh, nhiều diện tích bị bỏ không, cỏ mọc um tùm. Nhận thấy sự lãng phí tài nguyên đất, HTX DVNN xã đã mượn lại đất của bà con xã viên, thực hiện quy vùng, xây dựng 3 cánh đồng liên kết sản xuất với diện tích tối thiểu 10ha/vùng. 

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX mượn lại ruộng rồi tổ chức gieo cấy. Các thành viên HTX góp vốn mua 4 máy cấy, 2 máy gieo mạ và thiết bị bay phun thuốc trừ sâu. Máy móc xuống đồng giúp các thành viên HTX giảm được rất nhiều công sức lao động, chi phí sản xuất. Sau mỗi vụ, những nông dân có nhu cầu tích tụ để sản xuất, HTX bàn giao lại ruộng khi đã hoàn trả chi phí cải tạo ruộng đất, đồng thời HTX cũng hỗ trợ phần phí dịch vụ tưới, tiêu. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu tình trạng bỏ ruộng hoang tại địa phương. HTX cũng xây dựng thương hiệu gạo làng Giành theo tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, đồng thời đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Đây cũng là HTX DVNN đầu tiên trong tỉnh có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Xã An Ấp là địa phương có truyền thống trồng ớt của huyện với diện tích chuyên canh 55ha. Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng an toàn thực phẩm, xã tổ chức quy hoạch vùng trồng ớt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 4,7ha gồm 20 hộ tham gia. Để thay đổi nhận thức của người dân từ chạy theo năng suất, lợi nhuận trước mắt sang chú trọng chất lượng an toàn thực phẩm, HTX dành nhiều thời gian để tuyên truyền, giải thích. 

Ông Nguyễn Văn Sĩu, Giám đốc HTX chia sẻ: Ngoài việc bố trí máy móc, cung cấp giống, hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, HTX hỗ trợ quy trình kỹ thuật, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn. Cùng với đó, HTX sẽ đảm nhận đầu ra cho bà con với giá ổn định. Như vụ ớt năm 2023, một sào ớt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP người dân bán với giá 15 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng truyền thống.

Để kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững

Thực tế, việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là một quá trình lâu dài, có cả những thuận lợi và khó khăn. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải chung tay để đưa kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX DVNN xã An Ninh, khi HTX tổ chức quy hoạch vùng luôn nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện đến địa phương, song quá trình sản xuất cũng còn nhiều khó khăn đặt ra. Trước hết, muốn tổ chức sản xuất quy mô lớn cần có vốn để mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng nhưng với nhiều HTX đây là vấn đề khó khăn. Công tác tổ chức sản xuất vẫn theo tự phát, sản phẩm gạo làng Giành tuy đã tạo được uy tín trên thị trường song việc xúc tiến thương mại còn hạn chế; quy trình để ra sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, HTX tuy có vùng để sản xuất, có nguyên liệu nhưng HTX chưa có hệ thống sấy và xay xát đóng gói bao bì, vẫn phải đi thuê, do vậy chi phí giá thành vẫn cao. Để tháo gỡ, bước đầu HTX liên kết sản xuất với đơn vị có cùng mặt hàng để nâng cao giá trị sản phẩm.

Cũng theo bà Mai, để ngày càng có nhiều HTX chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp, người đứng đầu mỗi HTX phải tư duy mạnh dạn. 

“Bản thân tôi mong muốn có nhiều HTX có những mô hình, có điểm giới thiệu sản phẩm để chúng tôi cùng liên kết chia sẻ. Tức là muốn đi xa phải đi cùng nhau, cùng chia sẻ để cùng làm ra. Chẳng hạn, sản phẩm cửa hàng bên này tiêu thụ mạnh cần chia sẻ để cùng bán, cùng trao đổi liên kết với nhau, từ đó sẽ tăng giá trị sản phẩm” - bà Mai chia sẻ.

Huyện Quỳnh Phụ hiện có 43 HTX DVNN, trong đó nhiều HTX đang tích cực chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Thời gian qua, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng có những cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho các HTX chuyển đổi theo hướng bền vững. 

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng, hệ thống thủy lợi, giao thông trục chính nội đồng của huyện được đồng bộ, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng có cơ chế để hỗ trợ các HTX, người dân mua sắm máy móc, thiết bị, tích tụ ruộng đất. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, trong đó tập trung vào các cơ chế hỗ trợ trong việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi vùng. Chính quyền địa phương tập trung đồng bộ các giải pháp như quy hoạch, tích tụ ruộng đất sản xuất theo quy mô hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.

HTX DVNN An Ninh là HTX đầu tiên của tỉnh có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày