Thứ 6, 22/11/2024, 22:57[GMT+7]

Nỗ lực chống rét đậm, rét hại cho đàn vật nuôi, thủy sản

Thứ 6, 26/01/2024 | 07:07:46
7,920 lượt xem
Thời tiết rét đậm, rét hại những ngày qua đã khiến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, cây trồng, vật nuôi, thủy sản sinh trưởng chậm. Để duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định cho thị trường, nhất là dịp tết Nguyên đán sắp tới, nông dân các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi, thủy sản.

Nông dân huyện Vũ Thư triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc.

Muôn kiểu chống rét

Tết đang đến gần nhưng thời điểm này nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải “căng mình” phòng, chống rét đậm, rét hại cho đàn vật nuôi, thủy sản, quyết tâm không để thiệt hại về kinh tế. Tại xã Duyên Hải (Hưng Hà), các hộ chăn nuôi khá lo lắng vì thời tiết rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến đàn vật nuôi trong thời kỳ sinh trưởng. 

Vừa mang thêm thức ăn, căng lại mảnh bạt trong chuồng lợn, ông Đỗ Tiến Luyện, thôn Khả Tân chia sẻ: Để bảo vệ đàn lợn trước thời tiết rét đậm, rét hại, tôi đã bố trí bóng điện riêng ra từng đàn, có bạt che gió để bảo vệ cho đàn lợn được ấm hơn. Đàn lợn nuôi trong khu khép kín, quan trọng nhất là lứa lợn con mới sinh chưa thích nghi được thời tiết rét nên tôi cũng chưa yên tâm. Về chăm sóc, tôi thường trộn tỏi ủ vi sinh và bổ sung chất hỗ trợ giúp tăng sức kháng thể để lợn khỏe thích nghi với thời tiết rét đậm, rét hại.

Cùng với nông dân xã Duyên Hải, nông dân các huyện, thành phố cũng tập trung khắc phục khó khăn trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn sản xuất. Tại xã Phúc Thành (Vũ Thư), do có nhiều kinh nghiệm chống rét cho gia súc, gia cầm từ những năm trước nên bà con đã tích cực che chắn chuồng trại bằng bạt, bao tải, bảo đảm kín gió không để thời tiết gây thiệt hại đến sản xuất. 

Không thả vật nuôi ra đồng, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, đó là cách phòng, chống rét mà ông Trương Văn Dũng, xã Phúc Thành bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình.  Ông Dũng cho biết: Gia đình hiện có đàn bò 20 con. Những ngày nhiệt độ giảm sâu, trời rét, gia đình không chăn thả bò ăn cỏ ngoài trời cả ngày mà chỉ cho ra khoảng 1 tiếng để bò vận động, còn lại sẽ cho bò ăn thức ăn dự trữ như rơm khô, cỏ voi. Mặc dù chuồng trại đã được xây dựng với quy mô bài bản, khép kín song những ngày nhiệt độ giảm xuống dưới 12oC tôi luôn vận hành hệ thống điện thắp sáng 24/24 giờ để sưởi ấm cho đàn bò. Mỗi con bò con hiện tại có giá trị từ 10 - 15 triệu đồng nên nếu không quan tâm phòng, chống rét, để giá rét làm ảnh hưởng thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Ghi nhận tại huyện Tiền Hải, các hộ dân cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp chống rét cho diện tích nuôi trồng thủy sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 5.142ha, trong đó nuôi nước ngọt 1.032ha, nước lợ 2.086ha, nuôi ngao 2.024ha... Nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi. 

Ông Ngô Văn Soạn, xã Đông Minh rất lo lắng trước thời tiết rét đậm, rét hại khi diện tích nuôi cá vược chuẩn bị xuất bán ra thị trường tết Nguyên đán. Ông chia sẻ: Cá vược ít chịu được lạnh nên tôi đã triển khai một số biện pháp như nâng mực nước ao cao, căng bạt chống gió lùa, thức ăn được bổ sung dinh dưỡng, dùng quạt nước để tạo oxy.  

Không lơ là, chủ quan

Nhận định tình hình rét đậm, rét hại kéo dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố đã có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho đàn vật nuôi, thủy sản. Trong đó, thông báo diễn biến thời tiết, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chú trọng phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, diện tích thủy sản. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại bảo đảm kín gió nhưng thông thoáng, tăng cường sử dụng bóng điện sưởi hoặc đốt lửa để sưởi ấm khu vực chuồng nuôi. Để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, những ngày giá rét, hộ chăn nuôi cần tăng khẩu phần dinh dưỡng từ 15 - 20%. Trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống rét tuyên truyền các hộ bảo đảm an toàn, không để xảy ra cháy, nổ. Đối với diện tích thủy sản, thực hiện các biện pháp như nâng mực nước, giữ kín cho ao nuôi, bảo đảm bờ chắc, ít bị rò rỉ nước; thả bèo tây trên 1/3 diện tích mặt ao để chắn gió, ở những nơi có điều kiện thì che phủ bạt, nilon trên mặt ao...

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hoàng Minh Giang chia sẻ: Để bảo đảm an toàn cho nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ chuyên môn kiểm tra, đôn đốc thực hiện phương án phòng, chống rét cho thủy sản nuôi tại các địa phương. Trong đó, tích cực khuyến cáo hàng ngày người nuôi thủy sản cần theo dõi diễn biến thời tiết, điều kiện tự nhiên và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp, không để xảy ra hiện tượng thủy sản chết do rét.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong đợt rét đậm, rét hại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên tuyên truyền người dân dùng tấm đệm lót, dùng bóng hồng ngoại, bóng sưởi để sưởi ấm chống rét cho đàn vật nuôi. Tăng cường cán bộ chuyên môn về các xã kiểm tra, giám sát phòng dịch bệnh và hỗ trợ các xã biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố, tu sửa, bảo đảm chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trước thời tiết rét đậm, rét hại.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, từ nay đến tết Nguyên đán Giáp Thìn thời tiết còn rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi, diện tích thủy sản. Vì vậy, các địa phương cũng như người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo vệ đàn vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại.

Các hộ dân chủ động căng bạt phòng chống rét cho diện tích thủy sản.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày