Thứ 2, 25/11/2024, 14:55[GMT+7]

Kiến Xương: Phát triển nhiều mô hình nông nghiệp mới, triển vọng

Thứ 6, 02/02/2024 | 09:19:35
4,768 lượt xem
Trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Kiến Xương còn manh mún, nhỏ lẻ. Nay, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, của huyện, những người suốt một thời gian dài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã từng bước trở thành những “nông dân số” trong thời đại mới. Họ làm chủ công nghệ, làm chủ cánh đồng, phát triển nhiều mô hình nông nghiệp mới, triển vọng.

Ô tô và băng chuyền mạ được sử dụng trong mùa vụ ở HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh.

Những cánh đồng giá trị

Một trong những điểm nhấn ở Kiến Xương là thực hiện tích tụ ruộng đất với nhiều hộ có diện tích lớn nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có hơn 1.400ha ruộng được tích tụ, có hơn 2.500ha thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm. Từ những cánh đồng lớn đó, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật tạo ra giá trị kinh tế mới trên khắp các cánh đồng. 

Một trong những đại điền lớn nhất tỉnh, bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh chia sẻ: Nếu cứ làm theo kiểu gieo cấy truyền thống như 15 năm trở về trước thì gia đình sẽ không làm nổi 100ha như hiện nay. Nhưng tôi đã thay đổi cách làm, đầu tư toàn bộ máy móc từ khâu gieo mạ, phun thuốc trừ sâu đến khâu thu hoạch, sấy khô nên hiện tại một người như tôi cũng có thể đảm nhận được cả chục héc-ta lúa. Cũng vì thế mà giấc mơ đại điền giá trị cũng đã trở thành hiện thực, tôi đã thực sự làm chủ được cánh đồng để cho ra tiền tỷ. Để phát triển bền vững, tôi đã thành lập HTX để thuận lợi trong khâu tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bình quân mỗi vụ tôi sấy và bán 500 tấn thóc, làm dịch vụ gieo cấy 100ha lúa cho người dân, trừ chi phí thu về 500 triệu đồng.

Cùng quan điểm, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Nếu chỉ làm các khâu dịch vụ đơn thuần như các HTX trước kia thì sản xuất nông nghiệp sẽ bị tụt hậu, người dân không bám ruộng vì thu nhập thấp. Vì thế, những năm qua, tôi cùng HTX đã thực hiện liên kết với nhiều doanh nghiệp, đồng thời đầu tư hệ thống máy sấy, xay xát, đóng gói và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tổ chức quy hoạch hàng trăm héc-ta vùng sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, lúa hữu cơ kết hợp với khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên để làm gạo và mắm cáy. Đến nay HTX đã xây dựng 2 nhãn hiệu sản phẩm gạo chợ Gốc, mắm cáy chợ Gốc, xây dựng clip quảng bá, tuyên truyền về vùng sản xuất và sản phẩm; hoàn thành website và được đánh giá đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Bình quân hàng năm HTX sấy trên 750 tấn thóc và bao tiêu trên 1.000 tấn thóc cho người dân; riêng năm 2023 đã cung cấp ra thị trường gần 50 tấn gạo mang thương hiệu gạo chợ Gốc, gần 400 lít nước mắm mang thương hiệu mắm cáy chợ Gốc. Làm những mô hình này, người dân vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa tăng giá trị thu nhập, không phải lo về đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, đối với liên kết sản xuất lúa giống giá trị tăng thêm là trên 1,6 triệu đồng/sào, đối với vùng lúa hữu cơ (tính cả gia tăng lợi nhuận từ việc thu hoạch nguồn lợi thủy sản) đạt trên 3,2 triệu đồng/sào.

Hướng tới sản xuất sạch, hiện đại

Giờ đây, về Kiến Xương có thể thấy sự thay đổi rõ nét trên các cánh đồng, từ những mảnh ruộng nhỏ đã phá bỏ bờ ngăn dồn thành cánh đồng lớn, từ làm thủ công sang máy móc hiện đại, từ nông dân truyền thống sang “nông dân số”. 

Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Kiến Xương không chỉ duy trì và mở rộng các mô hình gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo mà còn xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao như sản xuất các loại rau, quả trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau sạch thủy canh. Đến nay, toàn huyện có 12 mô hình đăng ký thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao và đã có 9 mô hình đi vào sản xuất. Điển hình nhất là mô hình trồng rau má thủy canh ở xã Hòa Bình, toàn bộ 2.000m2 rau má đều được trồng trong nhà màng cách ly hoàn toàn với đất, không sử dụng thuốc trừ sâu, hệ thống chăm sóc tưới dưỡng, cắt nắng, phun sương cũng hoàn toàn tự động và được thao tác trên smartphone. Ngoài ra, chủ mô hình còn xây dựng chương trình quảng cáo trên các hạ tầng mạng xã hội, do đó sản phẩm làm ra tới đâu đều tiêu thụ hết tới đó. Bình quân hiện nay mỗi ngày mô hình này sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 65kg bột rau má các loại.

Ông Vũ Hoài Nhân, xã Vũ Lễ cho biết: Hàng chục năm qua tôi luôn là người đi đầu ở địa phương trồng hơn 25 mẫu khoai tây, dưa, bí xanh và một số cây rau màu khác. Để hoàn thành số diện tích lớn này trong thời gian ngắn, tôi đã đầu tư nhiều hệ thống máy móc hiện đại như máy làm đất, máy lên luống, phủ khoai, máy bới khoai. Tất cả những loại máy này đã giúp nông dân không còn phải lao động chân tay như trước nữa, hiệu suất lao động gấp hàng chục lần so với lao động thủ công truyền thống. Chỉ tính riêng khoai tây, mỗi năm tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng. Để hợp với xu hướng của thời đại, tôi đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 1.100m2 để trồng dưa lê leo, dưa chuột trong nhà màng. Với phương pháp trồng hiện đại, dùng phân bón cao cấp, hệ thống tưới nước tự động, mô hình không chỉ cho năng suất, giá thành sản phẩm cao mà còn tạo động lực cho nhiều nông dân khác học tập, ứng dụng.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp với cách làm, cách thức tổ chức sản xuất mới đã chứng minh hiệu quả và mở ra nhiều triển vọng phát triển mới. Qua đó tạo ra làn gió mới, sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững ở Kiến Xương.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày