Thứ 7, 11/01/2025, 22:54[GMT+7]

Minh Quang: Phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Thứ 4, 07/02/2024 | 08:47:44
3,810 lượt xem
Những năm qua, xã Minh Quang (Kiến Xương) luôn quan tâm nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân.

Xã Minh Quang (Kiến Xương) hiện có 2 cơ sở sản xuất dây chun.

Mô hình nuôi lươn không bùn đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Ông Nguyễn Thanh Bắc, thôn Đông Nghĩa cho chúng tôi biết: Tháng 5 vừa qua, tôi thả 3 vạn lươn giống vào nuôi ở 10 bể. Ban đầu chi phí vào mô hình này tương đối cao, ngoài hơn 200 triệu đồng đầu tư san lấp mặt bằng, làm bể nuôi, tôi còn đầu tư 200 triệu đồng mua lươn giống về nuôi. Qua tham quan học hỏi ở các mô hình khác, thấy lươn là loại dễ nuôi, dễ chăm sóc, thị trường tiêu thụ tốt nên tôi đã đam mê với nghề này. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả theo tôi khâu quan trọng nhất là nước trong bể nuôi phải được thay thường xuyên, khi lươn còn bé ngày thay 4 lần, sau khi lươn lớn ngày thay 2 lần nước. Cứ làm đúng kỹ thuật, dự kiến tháng 3 tới khi lươn đạt trọng lượng từ 3 - 5g/con, tôi sẽ có  khoảng 8 tấn lươn để bán với giá bình quân 150.000 đồng/kg. Dự kiến thời gian tới, tôi sẽ đầu tư xây thêm 20 bể tiếp theo để mở rộng mô hình và nuôi thêm ốc bươu ta theo mô hình ao bán nổi.

Không chỉ có mô hình của anh Bắc mà ông Trần Văn Trình, thôn Nội Thôn cũng đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng. Trên diện tích vùng chuyển đổi rộng khoảng 7.500m2, ông Trình đã đầu tư xây dựng một dãy nhà kiên cố rộng khoảng 250m2 với 20 bể nuôi, mỗi bể có diện tích khoảng 10m2, có hệ thống cấp thoát nước và hệ thống nước xả tràn, mặt trong bể được lát gạch hoa trơn bóng để tránh lươn bị xây xát trong quá trình nuôi... Ngoài diện tích nuôi lươn, ông còn đào 1 ao nuôi cá nước ngọt với mục đích để chứa nước từ các bể nuôi lươn thải ra và tận dụng nguồn thức ăn còn dư thừa để nuôi cá. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trình cho biết: Mặc dù là năm đầu tiên làm nhưng lươn phát triển tương đối ổn định. Dự kiến thời gian tới, tôi sẽ được thu hoạch, trừ chi phí mỗi bể thu về khoảng 40 triệu đồng. Mô hình đã thu hút rất nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Đến thăm cơ sở sản xuất dây chun của anh Nguyễn Văn Khương, thôn Hữu Tiệm, chúng tôi được biết mô hình này đã hoạt động ổn định được hơn 10 năm nay, bình quân mỗi ngày sản xuất được 50 bó dây chun, sản lượng đạt trên 10 tấn dây/tháng, xuất bán trong cả nước, doanh thu bình quân 1 tháng khoảng 700  triệu đồng, tạo việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Theo anh Khương: Làm mô hình này lúc đầu cũng phải đầu tư số tiền khá lớn vào máy móc và nhà xưởng. Hàng tháng chi phí hơn 200 triệu đồng mua nguyên vật liệu chính là săm xe máy và chỉ. Tuy chi phí đầu tư cao song hiệu quả mang lại cũng không nhỏ. Chính vì thế mà tôi đã học hỏi từ mô hình sản xuất của anh trai mình để thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua.

Ông Bùi Đức Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết: Toàn xã hiện có 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, 10 cơ sở may gia công, sản xuất dây chun, sản xuất giấy, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, xã còn nổi tiếng về nghề làm bánh kẹo với hàng trăm hộ tỏa đi làm nghề ở các tỉnh, chỉ còn dưới 10 hộ sản xuất bánh kẹo tại nhà, doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng/hộ/năm. Toàn xã hiện có hơn 200 hộ tham gia kinh doanh buôn bán ở các trục đường và chợ Cao Mại góp phần đưa giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ năm 2023 của xã đạt trên 111 tỷ đồng. Do phát triển mạnh lĩnh vực này nên người dân đã không mặn mà với cấy lúa, xuất hiện nhiều hộ cho thuê mượn ruộng, nhường chỗ cho những người đam mê đồng ruộng. Toàn xã hiện có khoảng hơn 20 hộ thực hiện tích tụ ruộng đất để cấy lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Điển hình nhất là mô hình cấy lúa giống cho Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hải Phòng của ông Trần Xuân Lưỡng. Ông Lưỡng cho biết: Tôi đã sớm có tư duy làm kinh tế từ nông nghiệp nên từ năm 2012, tôi là một trong những người thực hiện tích tụ sớm nhất huyện Kiến Xương. Ngay từ khi làm, tôi đã đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc để áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất. Từ diện tích lúc đầu 12,5ha, đến nay tôi đã tích tụ lên 15ha, bình quân mỗi vụ tôi thu về 800 triệu đồng từ cấy lúa. Mô hình của tôi không chỉ phát triển bền vững mà còn tạo động lực cho nhiều hộ dân thực hiện tích tụ ruộng đất lớn, cùng hợp tác, chia sẻ và giúp nhau làm giàu từ nông nghiệp.   

 Nhờ có nhiều mô hình kinh tế phát triển hiệu quả đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của xã Minh Quang đạt 6,1%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%, thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm. Năm 2024, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%.        


Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày