Thứ 5, 02/05/2024, 21:50[GMT+7]

Nhân rộng diện tích cấy bằng máy

Thứ 3, 20/02/2024 | 23:23:34
644 lượt xem
Vụ xuân năm 2024, dự kiến diện tích cấy bằng máy đạt trên 22.000ha, chiếm khoảng 30% tổng diện tích gieo cấy. Việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy thể hiện ưu thế, hiệu quả và là xu thế tất yếu trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại.

Vụ xuân năm 2024, huyện Quỳnh Phụ có khoảng 300 máy cấy.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương đang tích cực gieo cấy, tất cả đều hướng đến việc đẩy nhanh tiến độ để sản xuất vụ xuân đúng khung thời vụ tốt nhất.

Bà Trần Thị Thơm, xã Vũ Công (Kiến Xương) chia sẻ: Vụ này là vụ thứ hai tôi cấy lúa bằng máy. Trước đây, phần lớn diện tích gieo cấy gia đình tôi thực hiện bằng phương pháp gieo thẳng. Tuy nhiên, do lúa cỏ xuất hiện, ảnh hưởng nặng đến năng suất, chất lượng lúa, vì vậy gia đình tôi quyết định chuyển sang cấy máy. Vụ đầu tiên tôi cấy 4 sào bằng máy, năng suất, chất lượng lúa cao hơn hẳn so với gieo thẳng. Bên cạnh đó, cấy lúa bằng máy khắc phục gần như triệt để tình trạng lúa cỏ, lại giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... Vì vậy, vụ này tôi quyết định mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy lên 8 sào.

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, máy cấy hoạt động tối đa công suất giúp anh Nguyễn Công Tới, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) hoàn thành gieo cấy 40ha trong khung thời vụ. Diện tích mạ đã gieo được chăm sóc, che phủ nilon khi có không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt độ xuống thấp. Anh Tới cho biết: Để thực hiện tốt dịch vụ mạ khay máy cấy theo hợp đồng đã ký, tôi đã triển khai công tác chuẩn bị từ sớm. Tôi trực tiếp vào Ninh Bình, Thanh Hóa để kiểm tra chất lượng, mua giá thể (đất) gieo mạ khay, chuẩn bị mặt bằng, dụng cụ tưới, chăm sóc mạ bảo đảm mạ khỏe, tốt đều, tạo tiền đề cho vụ lúa xuân thắng lợi. Diện tích cấy bằng máy lớn nên việc bố trí lịch gieo mạ cũng phải hợp lý để bảo đảm chất lượng mạ hoàn thành cấy trong khung thời vụ. Hiện nhu cầu cấy máy của người dân tăng theo từng vụ. Tuy nhiên, việc đầu tư máy cấy cần nguồn vốn lớn, mặt bằng làm mạ còn nhiều hạn chế nên chưa thể đáp ứng đủ diện tích người dân đăng ký.

Ngoài anh Tới, xã Thụy Thanh hiện có 20 hộ tích tụ ruộng đất với diện tích từ 2ha trở lên, tổng diện tích tích tụ, tập trung đạt 100ha trong tổng số 300ha đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Thế Tứ, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Toàn xã có 10 máy cấy, trong đó 6 máy loại 6 hàng, 4 máy loại 4 hàng. Nhờ đó, tiến độ cấy được đẩy nhanh, thời vụ cũng tập trung hơn tạo thuận lợi trong công tác quản lý, chăm sóc.

Những vụ gần đây, huyện Quỳnh Phụ là địa phương có diện tích cấy bằng máy lớn. Để mở rộng diện tích cấy máy, huyện đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng lúa cấy bằng máy tập trung, thuận lợi tưới, tiêu nước; kế hoạch sản xuất phải được xây dựng sớm và cụ thể, từ đó chủ động triển khai dịch vụ máy cấy, mạ khay; khuyến khích các địa phương thành lập tổ dịch vụ tại chỗ hoặc ký hợp đồng với tổ dịch vụ của các địa phương khác. Cùng với đó, huyện chỉ đạo tạo điều kiện về mặt bằng để các tổ dịch vụ xây dựng kho bãi, tập kết giá thể, nơi để và chăm sóc mạ khay... 

Ông Đỗ Tiến Công, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện xây dựng thời vụ gieo cấy tập trung sau tết Nguyên đán. Nhờ có 300 máy cấy nông dân trang bị, đến ngày 19/2 toàn huyện đã cấy được hơn 7.000/11.050ha lúa. Dự kiến diện tích lúa cấy bằng máy vụ xuân này toàn huyện đạt 35 - 40%.

Năm 2023, diện tích lúa cấy bằng máy toàn tỉnh đạt khoảng 18.500ha/vụ, chiếm 25% tổng diện tích gieo cấy. Vụ xuân năm nay, dự kiến diện tích cấy bằng máy đạt trên 22.000ha, chiếm khoảng 30% tổng diện tích gieo cấy. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, lúa cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên. Ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa tăng từ 5 - 10% so với các phương pháp khác. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các HTX quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún. Một trong những khó khăn đối với sản xuất lúa hiện nay là việc thiếu lao động làm nông nghiệp trong khi thời vụ lại hết sức gấp gáp. Do vậy, mở rộng diện tích cấy máy sẽ giúp khắc phục tình trạng này.

Để hỗ trợ nông dân đầu tư máy cấy, mạ khay, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ mua máy cấy phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đó, các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân mua máy cấy và có cam kết phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tối thiểu 3 năm kể từ ngày đề nghị hỗ trợ sẽ được hỗ trợ 50% đơn giá (tối đa không quá 40 triệu đồng/máy). Chính sách hỗ trợ của tỉnh chính là động lực để các cơ sở sản xuất, hộ gia đình triển khai mở rộng mô hình máy cấy, mạ khay, góp phần giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang.

Máy cấy hoạt động tối đa công suất giúp anh Nguyễn Công Tới, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) hoàn thành 40ha trong khung thời vụ. 

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày