Thứ 6, 22/11/2024, 23:34[GMT+7]

Phòng dịch, chống rét bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Thứ 6, 01/03/2024 | 08:57:32
1,532 lượt xem
Để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các biện pháp phòng dịch bệnh, chống rét đậm, rét hại.

Các hộ nông dân nuôi nhốt gia súc bảo đảm an toàn trước thời tiết rét đậm, rét hại.

Là chủ một trong những trang trại chăn nuôi gà của xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy), theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Đức Tính, việc chọn mua con giống ở cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng, được tiêm phòng vắc-xin và quy trình chăm sóc theo quy định sẽ giúp đàn gà phát triển tốt, an toàn dịch bệnh trong suốt quá trình chăn nuôi. 

Ông Tính chia sẻ: Hiện nay thời tiết rét đậm đã ảnh hưởng đến đàn gà mới nuôi, do đó tôi đã sử dụng bóng điện sưởi ấm cho đàn gà vào ban đêm. Vào những ngày rét đậm tôi không thả ra ngoài như trước mà nhốt trong chuồng được che kín, thức ăn được bổ sung chất dinh dưỡng. Cách làm này giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, để phòng dịch bệnh, tôi dùng vôi bột khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý chất thải, sát trùng dụng cụ chăn nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Gia đình bà Vũ Thị Thắm, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà) sau dịp tết thường xuyên tái đàn 1.000 con gà, 1.000 con chim bồ câu. Bà Thắm cho biết: Con giống mới nuôi nên tôi bổ sung chế độ dinh dưỡng cao hơn, đồng thời giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt. Ngoài ra, để bảo đảm sức khỏe cho vật nuôi, gia đình đã sử dụng men vi sinh rắc nền chuồng để khử mùi hôi. Trong giai đoạn sau tái đàn, ngành chuyên môn của huyện đều hướng dẫn chúng tôi chăn nuôi theo quy trình để bảo đảm chất lượng đầu ra.

Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nhập giống và thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh sau khi tái đàn vật nuôi nên nhiều năm nay đàn vật nuôi của gia đình ông Tính và bà Thắm luôn phát triển ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Tính đến tháng 2/2024, trên địa bàn tỉnh tổng đàn lợn ước đạt 710.000 con; đàn trâu, bò ước đạt 60.000 con; đàn gia cầm đạt 14,2 triệu con... Những ngày qua thời tiết rét đậm tác động trực tiếp đến đàn vật nuôi, làm cho gia súc, gia cầm giảm sức đề kháng, nguy cơ xảy ra nhiều loại dịch bệnh, nhất là với gia súc, gia cầm non. Để bảo đảm an toàn sau khi tái đàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng cũng như phát triển kinh tế, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục chỉ đạo người chăn nuôi chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, kiểm dịch động vật. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng, chú ý chăm sóc tốt đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường đưa con giống, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị kinh tế. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không có gia súc, gia cầm ốm, chết, mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Ngoài công tác tuyên truyền, Chi cục Chăn nuôi và Thú y luôn duy trì giám sát lâm sàng, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện các trường hợp bất thường; tham mưu kịp thời các biện pháp chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh. Công tác tiêm vắc-xin bổ sung phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm luôn được duy trì. Công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được quan tâm. Tăng cường kiểm dịch vận chuyển bảo đảm đúng quy trình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông sản phẩm chăn nuôi. Tích cực tuyên truyền thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt.


Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày