Chủ nhật, 12/01/2025, 05:06[GMT+7]

“Dệt giấc mơ xanh” trên những cánh đồng

Thứ 4, 13/03/2024 | 20:48:48
3,320 lượt xem
Nông nghiệp vốn là lĩnh vực khi đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả, thường hay gặp cảnh “được mùa, mất giá” hoặc “được giá, mất mùa”; đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ lại càng không dễ dàng. Thế nhưng, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết, chị Nguyễn Thị Hằng, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thái Bình đã và đang từng bước biến những thửa ruộng hoang, cấy lúa kém hiệu quả thành nông trại rau hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao.

Chị Nguyễn Thị Hằng vui mừng trước thành quả từ nông nghiệp hữu cơ.

Đam mê nông nghiệp xanh

Đến thăm nông trại trồng rau hữu cơ của chị Hằng khi vừa kết thúc vụ đông bội thu, các nhân công đang tất bật làm đất, gieo trồng vụ mới, chúng tôi đã thấy được thành quả của chị khi theo đuổi giấc mơ làm nông nghiệp xanh. Vốn là doanh nhân trẻ đang thành công trong lĩnh vực xây dựng nhưng chị Hằng lại luôn khao khát biến những mảnh ruộng hoang thành nông trại rau hữu cơ. Vì vậy, chị đã quyết định tìm hiểu, lấy thu nhập từ ngành xây dựng để nuôi đam mê phát triển nông nghiệp hữu cơ của mình. Chị đã tích cực tìm hiểu các mô hình nông nghiệp hữu cơ đi trước, tham gia các lớp tập huấn, rồi bắt tay vào xây dựng mô hình nông trại trồng rau hữu cơ với diện tích 3ha tại xã Trung An (Vũ Thư).

Chị Hằng chia sẻ: Quá trình xây dựng mô hình, tôi ghi nhớ cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của tác giả Masanobu Fukuoka - một nông dân Nhật Bản với câu nói ý nghĩa “Chúng ta trở thành nông dân không phải là để chinh phục tự nhiên như ngộ nhận của nhiều người, trái lại là để học từ tự nhiên và vay mượn từ đó lương thực cho mình, rồi phải trả lại cho tự nhiên cơ hội phát triển tiếp”.  Trước đây, cánh đồng rau của tôi là ruộng bà con bỏ hoang không cấy, cỏ mọc cao đến nửa người. Sau đó, tôi đã tiến hành cải tạo đất, xây dựng mương dẫn nước riêng, đúng quy trình nông nghiệp hữu cơ, khi bảo đảm thời gian không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất mới tiến hành gieo trồng. Các loại cây trồng gồm: xà lách, bắp cải, cải ngọt, cải kale, diếp thơm, su hào, cà chua, bí ngô, dưa chuột... Tổng vốn đầu tư của nông trại ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng.

Vùng trồng khoai tây của chị Nguyễn Thị Hằng tại xã Bình Nguyên (Kiến Xương). 

Trên toàn bộ diện tích canh tác, chị Hằng áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Phân bón hữu cơ được làm hoàn toàn từ đạm thực vật phun trực tiếp qua lá, phần bã được dùng bón gốc cho các loại cây trồng lấy quả. Ngoài ra, chị Hằng còn tận dụng rau xanh thải loại, không đạt tiêu chuẩn của vụ trước ủ thành phân xanh bón cho cây. Thuốc bảo vệ thực vật cũng là thuốc hữu cơ được ủ từ cây thuốc lào, ớt, tỏi, gừng và rượu. Với cách làm này, các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, khi ăn rau có độ giòn, ngọt hơn và an toàn hơn so với rau sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, canh tác theo phương thức truyền thống. “Sau 3 tháng, 3ha đất đã được phủ xanh. Khi thu hoạch các loại rau, củ, quả an toàn, không tồn dư hóa chất độc hại, tôi lại càng có thêm động lực để nhân rộng mô hình này” - chị Hằng chia sẻ. Đến nay, nông trại rau hữu cơ của chị đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và chứng nhận TQC CGLOBAL đánh giá phù hợp và đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam trong tháng 1/2024.

Ước mơ nông nghiệp xanh thành hiện thực

Từ 3ha ban đầu, đến nay mô hình trồng rau hữu cơ của chị Hằng đã mở rộng lên 20ha tại xã Trung An và 10ha tại xã Bình Nguyên (Kiến Xương) trồng nhiều loại rau, củ, quả. Vụ đông vừa qua, nông trại của chị liên kết với HTX SXKD DVNN xã Bình Nguyên quy vùng sản xuất trồng và thu hoạch được trên 60 tấn khoai tây, cà rốt, 3 tấn ngô nếp theo quy trình chuẩn hữu cơ. Trung bình mỗi ngày, nông trại của chị Hằng thu hoạch từ 70 - 100kg  loại rau, củ, quả các loại, thu về 10 - 15 triệu đồng. Các sản phẩm được bán trực tiếp tại 2 cửa hàng trên địa bàn thành phố Thái Bình. Do sản xuất theo quy trình hữu cơ nên sản phẩm được khách hàng rất ưa chuộng, sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố cũng đưa các bạn nhỏ đến nông trại của chị tham quan, trải nghiệm, tự tay thu hoạch các loại rau, củ, quả. Ngoài ra, chị Hằng đầu tư máy móc chế biến các sản phẩm do chính nông trại của mình sản xuất ra như: nước ép rau, củ, quả, các loại tương, mứt, bột rau củ sấy lạnh...

 “Tôi mong muốn mô hình của mình cung cấp những sản phẩm xanh, sạch tới người tiêu dùng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh của Thái Bình” - chị Hằng bộc bạch.

Mặc dù có đông nhân công làm việc song đều đặn hàng ngày chị Hằng vẫn thức dậy từ rất sớm ra ruộng để kiểm tra, sát sao từng quy trình, điều hành các khâu kỹ thuật, chăm sóc cho các loại cây trồng bảo đảm sản phẩm chất lượng đến tay khách hàng. Chị chia sẻ thêm: Đồng hành với tôi không ai khác chính là bà con nông dân các địa phương. Tôi hướng dẫn họ canh tác theo quy trình chuẩn hữu cơ, để nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhưng cũng chính nhờ nông nghiệp hữu cơ đã giúp tôi trở thành một nông dân thực thụ. Hiện nay, mô hình sản xuất của chị tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 16 lao động với thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày, vào vụ thu hoạch số lao động tăng lên 30 - 40 người.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ dù còn gặp nhiều khó khăn song là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp trong tương lai, hướng đi bền vững sẽ được nhiều nông dân lựa chọn. Mô hình nông trại hữu cơ của chị Nguyễn Thị Hằng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng, thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp truyền thống của nhiều nông dân.

Mô hình nông trại rau hữu cơ của chị Hằng an toàn, thu hút các bạn nhỏ đến trải nghiệm. 

Hà Tuyết

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày