Thứ 4, 14/05/2025, 12:45[GMT+7]

Đông Hưng Tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa mùa

Thứ 3, 13/08/2013 | 09:54:42
1,313 lượt xem
Vụ mùa năm 2013, huyện Đông Hưng đã kết thúc việc gieo cấy theo đúng lịch thời vụ. Hiện nay, các địa phương đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc đồng thời theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh gây hại để có những biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt.

Người dân xã Đông Á (Đông Hưng) bắt ốc bươu vàng hại lúa.

Tính đến thời điểm này, nhìn chung gần 12.000 ha lúa mùa của huyện sinh trưởng phát triển đồng đều. Trong đó, diện tích trà lúa mùa cấy trước ngày 5/7 đang phân hóa đòng, trà cấy sau ngày 5/7 đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Qua kiểm tra cho thấy, một số diện tích xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ phát sinh với mật độ sâu non trung bình 10,2 con/m2, cao từ 20 - 30 con/m2, cá biệt 70 con/m2 và sâu đục thân 2 chấm cũng đang phát sinh gây hại. Hiện tại, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn bà con xã viên tập trung bón số lượng phân còn lại và kịp thời tổ chức phun phòng trừ sâu bệnh cho diện tích lúa mùa.

Trước tình hình sâu bệnh đang phát sinh gây hại, Ban quản trị Hợp tác xã DVNN Phú Lương đã tổ chức thăm đồng, quy vùng nhiễm bệnh để chỉ đạo phun phòng trừ không để lây lan ra diện rộng. Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ nhiệm HTX cho biết: Toàn xã có 50 ha lúa mùa sớm xuất hiện sâu cuốn lá nhưng đã kịp thời chỉ đạo bà con phun thuốc phòng trừ và kết thúc xong vào ngày 30/7. Bên cạnh đó, tranh thủ thời tiết nắng ráo, Ban quản trị hướng dẫn các hộ dân phun thuốc phòng trừ sâu đục thân 2 chấm và tiến hành bón bổ sung từ 2 - 4 kg kali/sào cho toàn bộ diện tích để lúa cứng cây, phát triển đồng đều.

Có mặt trên cánh đồng xã Đông Tân (Đông Hưng), chúng tôi gặp vợ chồng anh Lại Xuân Tính và bà con nông dân đang chăng nilông để chặn chuột xâm hại, phá lúa. Năm nào diện tích lúa ở đây cũng bị chuột hoành hành, nhiều hộ đã mất gần 100.000 đồng mua ni lông và hàng chục nghìn đồng tiền mua tre, luồng để dựng cọc, nhưng kết quả cũng không khả quan. Anh Tính cho biết: Hàng ngày phải ra đồng kiểm tra thường xuyên vì cọc rất dễ đổ và ni lông dễ rách khi có gió to, mặc dù đã quây kín nhưng chuột vẫn cắn thủng ni lông để vào trong ruộng. Người dân chỉ còn cách huy động nhau đánh bắt thủ công và tổ chức nhiều đợt diệt chuột bằng mồi bả sinh học để tránh tình trạng chuột phá hại lan rộng sang diện tích khác.

Không chỉ có tình trạng chuột hoành hành mà nạn ốc bươu vàng cũng làm cho một số hộ dân trong huyện vất vả. Cứ buổi sáng mát trời hay buổi chiều ngớt nắng, trên cánh đồng xã Đông Á lại xuất hiện người dân cầm xô, cầm túi lom khom nhặt ốc bươu vàng chỉ đi mấy vòng quanh ruộng đã thấy nặng tay. Chị Nguyễn Thị Nụ cho chúng tôi biết: Do ruộng nhà chị thấp trũng nên ốc nhiều hơn các ruộng khác, cho dù đã phun thuốc đặc trị nhưng chỉ được 1 - 2 ngày ốc lại xuất hiện và sinh sôi nảy nở cắn phá lúa, nhiều hôm chị bắt được cả xô đầy.

Để hạn chế nạn chuột, ốc bươu vàng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các HTX DVNN trong huyện chỉ đạo bà con, ngoài việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng”, cần tiến hành dọn sạch cỏ dại, khơi rãnh xung quanh ruộng lúa, mương máng, nhất là chân ruộng trũng, tiến hành cắm cọc tre ven bờ và rải rác khắp ruộng, nơi đầu nguồn nước, dọc theo các rãnh nước để thu hút ốc bươu vàng đến đẻ trứng và nhử ốc để thu bắt mang đi tiêu hủy. Đối với những ruộng bị chuột gây hại, bà con áp dụng phương pháp chăng ni lông, vải, nhựa, giữ mực nước xâm xấp để hạn chế sự gây hại của chuột. Đồng thời, cấy dặm bổ sung, kết hợp với khâu chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để thúc đẩy sự đẻ nhánh, làm đòng của cây lúa giúp lúa mùa trong toàn huyện sinh trưởng và phát triển tốt.

Bài, ảnh: Vũ Hảo

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày