Thứ 2, 25/11/2024, 10:01[GMT+7]

Vũ Thư: Tạo sức bật phát triển ngành trồng trọt

Thứ 6, 22/03/2024 | 09:21:44
3,081 lượt xem
Mặc dù có địa hình, thổ nhưỡng thuận lợi nhưng trước đây, ngành trồng trọt của huyện Vũ Thư phát triển manh mún, hiệu quả thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Tháng 12/2021, Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 20/12/2021 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Vũ Thư khóa XVI về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” ra đời đã tạo sức bật thúc đẩy ngành trồng trọt của huyện phát triển nhanh và bền vững.

Xã Vũ Vân quy hoạch vùng sản xuất cây màu tập trung tại thôn Thái Sa để thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất.

Vũ Vân là xã duyên giang, có chất đất phù sa màu mỡ, những năm qua, sản xuất lúa và cây màu vẫn là nguồn thu chính của hầu hết nông dân. 

Ông Đào Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã có hơn 200ha đất lúa và 110ha đất chuyên màu. Trước kia, bà con cấy lúa theo hình thức nhỏ lẻ, cho giá trị và thu nhập rất thấp. Cây màu, chủ lực là bắp cải cho hiệu quả cao hơn lúa, tuy nhiên cũng phát triển theo hướng tự phát, rủi ro cao. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở, tìm hướng đi cho ngành trồng trọt của xã nhưng gặp nhiều khó khăn. Tháng 12/2021, Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ huyện ra đời, tạo động lực cho Đảng ủy xã quyết tâm đổi mới, lãnh đạo nhân dân quy hoạch vùng sản xuất, tích tụ ruộng đất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngay từ tháng 1/2022, Đảng ủy xã đã ban hành kế hoạch để triển khai, thực hiện Nghị quyết. Đến nay, xã đã quy hoạch và từng bước triển khai theo 4 vùng trồng trọt chủ lực: sản xuất lúa gạo, cây màu, cây ăn quả, cây dược liệu. Đối với sản xuất lúa gạo, xã đã triển khai được vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 40ha, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc chế biến, đóng gói và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm gạo. Với nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo Vũ Vân, dự kiến sản phẩm cho giá trị cao gấp 1,5 lần so với gạo thông thường. Xã đang nỗ lực đưa sản phẩm này đạt tiêu chuẩn OCOP trong thời gian tới. Cùng với lúa, xã đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi hỗ trợ phát triển cây màu. Đến nay, cùng với bắp cải, xã đưa vào trồng nhiều loại cây gia vị, dược liệu vào sản xuất theo hướng hàng hóa, có liên kết bao tiêu sản phẩm, góp phần tăng giá trị sản xuất cây màu so với trước kia.

Xã Nguyên Xá có 255ha đất trồng lúa và 25ha đất sản xuất cây màu. Sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ huyện, xã đã quy hoạch được vùng sản xuất lúa, khoai tây vụ xuân cho hiệu quả kinh tế cao hơn trước; vận động được 11 hộ tích tụ với diện tích 65ha, chuyển đổi 6,1ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, hệ số sử dụng đất đạt 2,5 lần, giá trị sản xuất tăng từ 120 triệu đồng lên 135 triệu đồng/ha canh tác/năm. 

Ông Hoàng Văn Khảng, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, Nghị quyết số 01 chính là điểm tựa để mỗi địa phương linh hoạt vận dụng, từ đó khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị, thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Thanh Long, nông dân thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá chia sẻ: Nhờ có sự động viên, tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, 2 năm gần đây, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo 3ha ruộng hoang hóa tại địa phương thành vườn để ươm trồng cây cảnh, cây công trình, hứa hẹn cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần cấy lúa.

Nông dân xã Vũ Hội (Vũ Thư) chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Vũ Thư có trên 11.000ha đất trồng trọt các loại, trong đó đất lúa trên 7.500ha, còn lại là đất trồng cây màu, cây lâu năm. Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng thực tế, ngành trồng trọt của huyện còn manh mún; năng suất, chất lượng nông sản thấp, khả năng cạnh tranh sản phẩm và giá trị ngành trồng trọt chưa cao. 

Bà Phạm Thị Như Phong, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định Nghị quyết số 01 là đòn bẩy để phát triển lĩnh vực trồng trọt của huyện, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện, cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết sát với thực tế của địa phương. Trọng tâm là các địa phương tập trung chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao; xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao; tăng giá trị sản xuất trên đất trồng trọt; xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ phục vụ xuất khẩu; xây dựng mô hình nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch sinh thái; có nhiều sản phẩm trồng trọt được chế biến sâu, được công nhận sản phẩm OCOP. Kết quả, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện cho thấy, Nghị quyết số 01 ban hành đúng, trúng với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển sản xuất. Đến nay, nhân dân đã từng bước thay đổi nhận thức về phát triển trồng trọt theo hướng hiện đại, bền vững; hầu hết các xã đã rà soát, quy hoạch và tổ chức sản xuất ở các vùng trồng trọt tập trung; một số xã xây dựng được vùng sản xuất lúa chất lượng cao; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ; hệ số sử dụng đất, giá trị sản xuất, thu nhập của nông dân tăng lên so với trước. Nghị quyết số 01 cũng góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 20/1/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.


Ông Lại Trường Sơn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, BCH Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục quán triệt, đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01 tại các tổ chức cơ sở đảng, các đơn vị, địa phương. Mục tiêu của huyện là phát triển trồng trọt gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, từng bước nâng cao giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt trên địa bàn huyện, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bà Trần Thị Mai, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lý (Vũ Thư)
Thực hiện Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ huyện, đến nay địa phương đã quy hoạch được 3 vùng, 5 điểm sản xuất tập trung với tổng diện tích 239ha; chuyển đổi 30,9ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như bưởi, chuối, cau; phát triển 310ha hòe dược liệu và trồng xen canh 210ha màu/năm xen canh; vận động được 23 hộ tích tụ ruộng đất. Hiệu quả sản xuất tăng, thu nhập được nâng cao, nhân dân rất phấn khởi. Chúng tôi mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, có chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và trong vùng sản xuất tập trung.

Ông Trần Xuân Đác, thôn Thái Sa, xã Vũ Vân (Vũ Thư)
Trước kia, gia đình tôi trồng khoảng 5 sào bắp cải, 1 mẫu ngô. Gần đây, cấp ủy, chính quyền thôn, xã tuyên truyền, vận động về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị sản xuất, gia đình tôi hưởng ứng tích cực bằng cách mở rộng diện tích gieo trồng gần 1 mẫu bắp cải và 5 sào ớt. Thu nhập hiện nay đạt khoảng 120 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trước đây cấy lúa hoặc trồng ngô.

 Nông dân Vũ Vân đưa cây ớt vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày