Chủ nhật, 12/01/2025, 07:51[GMT+7]

Mùa gom mật ngọt

Thứ 4, 10/04/2024 | 07:47:01
1,933 lượt xem
Mùa xuân, khi nắng ấm gọi cây cối thức giấc đơm hoa, kết trái; những vườn nhãn, vườn bưởi nở hoa rộ cũng là thời điểm các hộ nuôi ong tất bật thu hoạch mật ong, đón niềm vui của mùa mật ngọt. Mặc dù nghề nuôi ong quy mô ở huyện Vũ Thư không có nhiều, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ nhưng nhiều hộ đã có nguồn thu ổn định từ nuôi ong lấy mật.

Vườn nuôi ong của anh Đỗ Trung Kiên.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong, anh Đỗ Trung Kiên, thôn Hương, xã Xuân Hòa cho biết: Tháng ba, tháng tư hàng năm được coi là mùa con ong đi lấy mật, bởi đây là thời điểm tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở tạo ra nguồn phấn dồi dào cho ong làm mật. Dù thời gian thu hoạch mật kéo dài quanh năm song dịp này vẫn là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất.

Ong được anh Kiên nuôi trong 70 thùng gỗ đặt dưới các gốc cây trong vườn; một thùng ong được gọi là một đàn hay một tổ. Theo anh Kiên, các thùng ong dù đặt cạnh nhau nhưng chúng chưa bao giờ về nhầm tổ vì ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao, nếu không đúng tổ chúng sẽ không bay vào. Mỗi thùng có 6 - 10 cầu ong tùy kích thước. Mỗi tổ chỉ có duy nhất một con ong chúa là con cái có quyền đẻ trứng trong đàn. Con ong đực có kích thước lớn hơn ong chúa nhưng bụng ngắn hơn, cơ thể màu đen, có nhiều lông dài và không có ngòi đốt. Ong thợ có số lượng đông nhất đàn, có thể lên đến hàng nghìn con, chúng là những con cái vô sinh, vòng đời khoảng 45 ngày. Một con ong thợ thường phải bay xa tổ hơn 1km để tìm mật, khi phát hiện được nguồn hoa, ong thợ sẽ bay về tổ và báo hiệu cho cả đàn ong thợ để cùng nhau đi lấy phấn hoa về gây mật.

Mở nắp thùng lấy ra một cầu ong với vô số những con ong bám dày đặc trên cầu sáp, rồi chỉ với một động tác nhẹ nhàng, khéo léo, anh Kiên gạt cả mảng ong bám trên cầu tụt hết vào thùng để lộ khối mật vàng ngọt lịm căng tròn trong các ngăn chứa. Nói về chất lượng mật ong, anh Kiên giải thích: Mật ong chất lượng là mật ong khi được khai thác thì trong những cầu ong đã được bít nắp, bởi lúc đó trong mật đã đủ các thành phần dinh dưỡng tốt nhất. Tuy nhiên, mật ong cũng tùy loài hoa, có loại sáng màu có loại tối màu, có loại đặc hoặc loãng, cũng có loại kết tinh, đóng đường nhưng có loại lại không. Hoa nhãn cho mật màu vàng óng, dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác.

Năm nay nhãn, vải ra hoa ít nên sản lượng mật giảm hơn mọi năm. Thông thường nếu thời tiết thuận lợi với 70 thùng ong, mỗi năm gia đình anh Kiên thu hoạch được hơn 1 tấn mật, tương đương hơn 700 lít mật, thu về gần 200 triệu đồng từ nghề nuôi ong.

Ông Nguyễn Ngọc Khiếu, thôn Bắc Hưng, xã Phúc Thành hiện nuôi 25 đàn ong. Ông chia sẻ: Tùy theo từng thời điểm mà thời gian khai thác mật ong sẽ thay đổi, ong khỏe chăm hút mật thì khoảng 8 ngày là có thể thu hoạch, nhưng cũng có đàn mất tới 15 - 17 ngày. Từ tháng 3 đến tháng 6, ong cho quay mật liên tục. Cách khoảng 10 - 15 ngày lại cho thu hoạch một lần hoặc cũng tùy vào nguồn hoa. Bình quân mỗi năm ông thu về khoảng 100kg mật sáp, bán với giá 200.000 đồng/kg mật sáp, 250.000 đồng/lít mật đã quay.

Huyện Vũ Thư hiện có khoảng 100 hộ nuôi ong, quy mô từ 5 - 70 đàn, tập trung ở các xã duyên giang nơi có nguồn cung cấp phấn hoa dồi dào từ nhiều cây trồng đa dạng. Không chỉ cho mật ngọt, những con ong chăm chỉ hút mật còn giúp cây trồng thụ phấn, đơm hoa, kết trái thuận lợi, tăng năng suất.

Hương sắc mùa xuân đang vào độ “chín”, trên khắp các triền đê, vườn cây, những đàn ong chăm chỉ cũng đang cần mẫn đi tìm mật ngọt. Những cầu mật nặng trĩu chứa những giọt mật vàng được người nuôi ong trân trọng, nâng niu bởi đó là thức quà mà những con ong cần mẫn “gánh” về giữa mùa xuân.


Tiên Dung
(Đài TTTH Vũ Thư)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày