Chủ nhật, 12/01/2025, 07:42[GMT+7]

Phòng, chống cúm gia cầm trong thời điểm giao mùa

Thứ 7, 13/04/2024 | 13:35:55
1,431 lượt xem
Hiện nay, thời tiết miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp, quyết tâm không để cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Hộ nông dân xã Thái Phúc (Thái Thụy) tập trung chăm sóc đàn gia cầm.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi 

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm ở gia cầm nuôi và chim hoang dã, do virus gây ra, có thể gây chết gia cầm với tỷ lệ lên đến 100%. Virus có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới vài tháng trong phân gia cầm mắc bệnh, xác gia cầm chết, trong các sản phẩm thịt gia cầm đông lạnh. Đặc biệt, virus có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người. Virus cúm gia cầm (các chủng virus A/ H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8...) lây trực tiếp thông qua tiếp xúc nuôi nhốt chung gia cầm khỏe mạnh với gia cầm mắc bệnh hoặc nuôi thả cùng nhau; lây nhiễm từ chim hoang dã có mang mầm bệnh; lây gián tiếp thông qua phân, máu, chất bài tiết của gia cầm, chim hoang dã, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, lồng nhốt, chất độn chuồng, bao bì đựng cám... có mang mầm bệnh. 

Cũng như các hộ chăn nuôi khác, anh Bùi Văn Đoàn, xã Văn Lang (Hưng Hà) sau khi tái đàn gia cầm đã chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó đã tiêm vắc- xin cho 2.000 con ngan thịt, trên 1.000 gà thương phẩm. Anh Đoàn chia sẻ: Hiện một số tỉnh, thành phố trong nước đã có những ổ dịch cúm gia cầm, do đó tôi rất lo lắng. Đối với trang trại của gia đình đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chuồng trại phải mát về mùa hè, ấm về mùa đông, sạch sẽ, có sàn trên cao, chất thải ở dưới phải được vệ sinh thường xuyên tránh gây ô nhiễm môi trường... Đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia cầm theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Còn đối với trang trại của ông Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) với quy mô nuôi đến 16.000 gà đẻ, 7.000 gà hậu bị, những ngày qua trang trại đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống chuồng nuôi để chủ động phòng, chống cúm gia cầm. Ông Tràng chia sẻ: Tôi đã kiểm tra lại hệ thống quạt thông gió, bảo đảm nhiệt độ phù hợp, ổn định. Nâng cấp hệ thống gạt phân tự động, bảo đảm vệ sinh thú y, môi trường sạch sẽ, chăm sóc thuận tiện, dễ dàng nhằm hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, khi gà giống nhập về được đưa vào chuồng nuôi theo dõi từ 10 - 15 ngày, gà khỏe mạnh mới đưa vào chuồng nuôi chính để hạn chế dịch bệnh xâm nhập đàn gia cầm.

Không chủ quan, lơ là trước cúm gia cầm

Quý I/2024, các địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận 7.000 lít hóa chất được UBND tỉnh hỗ trợ, tích cực thực hiện công tác phòng, chống cúm gia cầm như: tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra và cấp 186 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật cho 9.409 con lợn; 1.228.714 con gia cầm và 212 con trâu, bò và cấp 18 giấy chứng nhận kiểm dịch cho 226.572kg sản phẩm động vật. Trạm kiểm dịch động vật cầu Nghìn đã kiểm soát 96 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, góp phần ngăn chặn và kiểm soát tình hình dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh và lây nhiễm sang người, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các huyện, thành phố chỉ đạo cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về cơ chế phát sinh, lây lan và biện pháp phòng, chống cúm gia cầm. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với cơ quan thú y đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nghi mắc bệnh, không bảo đảm an toàn thực phẩm... Thời điểm giao mùa, thời tiết có nhiều thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Chi cục khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tiêu độc khử trùng trong khu vực chăn nuôi để phòng chống cúm gia cầm.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày