Thứ 2, 25/11/2024, 04:21[GMT+7]

Những nông dân đổi đời nhờ mô hình VAC

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:46:15
1,749 lượt xem
Với ý chí không ngại khó, không ngại khổ, nhiều nông dân trong tỉnh đã tận dụng lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư để vươn lên làm giàu với mô hình VAC cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi lợn, bò 3B và trồng cây ăn quả của anh Trần Hữu Phượng (người bên phải), xã Hồng An (Hưng Hà).

Thu nhập cao từ vùng đất hoang

Khi bà con không mặn mà với việc canh tác nông nghiệp, bỏ ruộng hoang nhiều năm, anh Trần Hữu Phượng, xã Hồng An (Hưng Hà) quyết định thuê lại 15 mẫu đất để trồng cây dược liệu. Anh trồng nhiều loại cây như thanh hao hoa vàng, đinh lăng... để chiết xuất tinh dầu và cung cấp hoa hòe cho các công ty dược. Thời điểm vườn dược liệu đang phát triển tốt cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng/sào thì biến cố xảy ra khiến anh mất tất cả. Không nản chí, năm 2018 anh chuyển hướng sang chăn nuôi và dành riêng 2 mẫu đất trồng nhãn. Anh Phượng chia sẻ: Tôi đã đầu tư khoảng 5 - 6 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Hiện tại tôi có 4 chuồng nuôi 300 con lợn thịt và 80 con bò 3B. Ngoài ra tôi còn trồng thêm cỏ ngọt và ngô để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Nhờ mạnh dạn đầu tư, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên mô hình của anh Phượng duy trì ổn định và cho thu nhập cao. Ông Trần Hữu Tuấn, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Hồng An đánh giá: Anh Phượng là một trong những hội viên tiêu biểu dám nghĩ, dám làm. Dù là diện tích đất hoang hóa nhiều năm, khó canh tác nhưng anh đã cải tạo rất tốt. Vừa làm giàu cho gia đình anh vừa giúp 10 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình VAC của chị Lê Thị Thúy, xã Đông Xá (Đông Hưng) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi gà, nuôi cá thu lãi hàng trăm triệu đồng

Cùng chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế VAC của gia đình chị Lê Thị Thúy, xã Đông Xá (Đông Hưng), ông Hà Văn Tuyên, Chủ tịch Hội Làm vườn xã cho biết: Hiện tại, địa phương có nhiều hội viên tham gia phát triển kinh tế VAC nhưng các mô hình vẫn còn nhỏ lẻ. Còn chị Thúy lại là người năng động, chịu khó học hỏi, đầu tư bài bản nên mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khu đất của chị Thúy hiện nay vốn là ruộng úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Năm 2014, gia đình chị đầu tư 1,6 tỷ đồng để cải tạo lại với diện tích 7.000m2. Chị dành ra khoảng 1 mẫu để đào ao nuôi cá trắm giống, 2 sào để làm chuồng nuôi gà mía, còn lại để trồng cây hòe. “Với sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Làm vườn xã nên tôi được tiếp cận các nguồn vốn vay và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để phát triển mô hình. Chuồng nuôi gà được tôi xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn thoáng mát, tạo nơi ở thoải mái và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gà. Tính riêng năm 2023, tôi xuất bán khoảng 6 tấn gà thịt, 6 tấn cá giống, thu lãi khoảng 250 triệu đồng” - chị Thúy chia sẻ.

Làm việc tại trang trại của chị Thúy nhiều năm nay, bà Vũ Thị Luyên, thôn Đông Bình Cách phấn khởi cho biết: Năm nay tôi đã hơn 50 tuổi nên không thể đi làm tại các công ty. Từ khi được chị Thúy tạo điều kiện, tôi cùng 3 - 4 chị em đã có công việc tranh thủ lúc nông nhàn. Công việc không quá vất vả, lại có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.

Mô hình VAC của ông Mai Công Phướng, xã Hồng Dũng (Thái Thụy).

Chủ trang trại VAC 7 mẫu

Chúng tôi có cuộc gặp gỡ với ông Mai Công Phướng trên con đường đê của xã Hồng Dũng (Thái Thụy) tìm hiểu về cách làm giàu của ông. Nhìn dáng vẻ và cách ăn mặc giản dị, không ai nghĩ người đàn ông chăn bò này lại chính là chủ của trang trại VAC rộng 7 mẫu. Tất cả mọi thứ trong trang trại đều được ông Phướng thiết kế và tự tay lắp đặt từ hệ thống cung cấp nước uống tự động cho vịt đến hệ thống sàn. Ông Phướng chia sẻ: Trước đây, đàn vịt của gia đình thường xuyên mắc bệnh do nuôi theo kiểu truyền thống. 2 năm trở lại đây, tôi đầu tư 130 triệu đồng làm sàn inox, hệ thống ăn uống tự động và ứng dụng kỹ thuật nuôi mới theo quy trình khép kín. Từ đó giúp giải quyết vấn đề vệ sinh chuồng trại, vịt không chỉ khỏe mạnh mà còn rút ngắn được thời gian nuôi từ 2 tháng rưỡi xuống còn 45 ngày. Vì vậy, mỗi năm tôi có thể xuất bán cho thương lái khoảng 8.000 con vịt thương phẩm.

Theo ông Phướng, với việc duy trì nuôi khoảng 2.500 con vịt, 14 con bò và 4 ao nuôi cá các loại, ông thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Dũng cho biết: Để đạt được thành công này, hội viên Mai Công Phướng rất tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các chuyến tham quan do địa phương tổ chức. Dựa trên những kiến thức học hỏi được, ông đã khéo léo sáng tạo, ứng dụng linh hoạt vào mô hình của mình. Bên cạnh đó, ông cũng luôn sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên trong xã để cùng làm giàu.

*

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh đánh giá: Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế VAC trong toàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Các hội viên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái. Nhờ đó ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới cho hiệu quả kinh tế cao góp phần cải thiện đời sống của hội viên. Nhiều cá nhân, tập thể được Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Làm vườn tỉnh tặng bằng khen, giấy khen nhờ có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế VAC. Thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng tay nghề cho hội viên và đồng hành cùng hội viên xây dựng, nhân rộng mô hình vườn hữu cơ, trang trại VAC 4.0, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày