Chủ nhật, 04/08/2024, 01:13[GMT+7]

Thái Thuỵ Vai trò tích cực của HTX dịch vụ nông nghiệp

Thứ 3, 14/09/2010 | 11:03:28
2,636 lượt xem
Thái Thụy có 67 HTX nông nghiệp ở 48 xã, thị trấn, đến nay đã thực hiện chuyển đổi được 64 HTX hoạt động theo Luật, còn 3 HTX vẫn chưa thực hiện chuyển đổi là HTX nông nghiệp Thụy Việt và 2 HTX làm muối ở Thụy Hải. Số xã viên đăng ký vào HTX là 63.303 hộ, chiếm 99,46% số hộ làm nông nghiệp.

Chăm sóc đàn gia cầm ở Thái Thụy

Sau khi thực hiện chuyển đổi theo luật, nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) ở Thái Thụy đã năng động thích nghi với mô hình mới, sản xuất kinh doanh hiệu quả, phục vụ đắc lực cho quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, con số này  chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn nhiều HTX chuyển đổi hoạt động hạn chế, khó khăn trong việc mở rộng các loại hình dịch vụ nên hiệu quả kinh doanh thấp. Vậy nguyên nhân do đâu?

 

Thái Thụy có 67 HTX nông nghiệp ở 48 xã, thị trấn, đến nay đã thực hiện chuyển đổi được 64 HTX hoạt động theo Luật, còn 3 HTX vẫn chưa thực hiện chuyển đổi là HTX nông nghiệp Thụy Việt và 2 HTX làm muối ở Thụy Hải. Số xã viên đăng ký vào HTX là 63.303 hộ, chiếm 99,46% số hộ làm nông nghiệp.

 

Sau khi thực hiện chuyển đổi, tổ chức bộ máy HTX DVNN  gọn nhẹ hơn, số cán bộ HTX mới so với HTX cũ giảm 50 người. Là huyện mà sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm vị trí độc tôn trong cuộc sống của người dân nên kể cả trước đây và sau khi thực hiện chuyển đổi theo luật, các HTX vẫn giữ vai trò chính trong quá trình chỉ đạo điều hành sản xuất.

 

Hầu hết các HTX  thực hiện  khá tốt các khâu dịch vụ: thuỷ nông-bảo vệ đồng điền, bảo vệ thực vật, chuyển giao tiến bộ KHKT. Nói là dịch vụ nhưng thực chất trong những hoạt động này vẫn mang tính “phục vụ” xã viên là chính, không lấy lãi làm mục tiêu. 

 

Hơn thế, sau khi có các tổ đội dịch vụ thì hoạt động mang tính chuyên môn hơn, mỗi tổ đội, mỗi khâu công việc đều có hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, trong quá trình thực hiện có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Ban kiểm soát và của xã viên HTX nên đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm nhất là chất lượng, hiệu quả sản xuất.

 

 Ngoài thực hiện các khâu dịch vụ bắt buộc, nhiều HTX đã vươn ra làm tốt dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho hộ xã viên. HTX DVNN Thái Giang từ nhiều năm nay là đơn vị điển hình tổ chức sản xuất hiệu quả, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ KHKT. Năm 2009, HTX xây dựng thành công mô hình gieo sạ tập trung ở thôn Nha với diện tích gần 100 ha, tổ chức cho xã viên cấy 30 ha lúa giống cho Công ty CP giống cây trồng Thái Bình, quy vùng gieo trồng được 50 ha cây đậu tương.

 

Chúng tôi về địa phương đúng vào thời điểm hơn 30 ha khoai tây xuân của xã bước vào vụ thu hoạch. Khóm nào cũng sai củ. Và đây là mô hình trồng khoai tây xuân cho hiệu quả kinh tế cao được HTX xây dựng từ nhiều năm nay. Bắt đầu vào vụ trồng, HTX lấy giống gốc có chất lượng cung ứng cho xã viên, sau khi  thu hoạch thu mua củ thành phẩm đem bảo quản trong kho lạnh, mỗi vụ từ 35 đến 40 tấn; sau đó đến vụ đông cung ứng lại giống cho bà con.

 

Với cách làm như vậy, mỗi năm, Thái Giang gieo trồng được từ 70 đến 80 ha cả khoai tây vụ xuân và vụ đông, bình quân mỗi ha thu nhập 60 triệu đồng/vụ. Sau  khoai tây xuân, xã viên trồng tiếp 2 vụ dưa gang hè. HTX đứng ra ký hợp đồng với các công ty bao tiêu từ 300 đến 500 tấn dưa cho bà con. Cộng thêm với dịch vụ cung ứng phân bón, giống, mỗi năm HTX DVNN Thái Giang có nguồn thu lãi vài chục triệu đồng.

 

Không thể phủ nhận những thành công của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng,  vật nuôi trong nông nghiệp ở Thái Thụy những năm qua là có sự đóng góp quan trọng của các HTX DVNN. Song hiện nay, hoạt động của các HTX dịch DVNN trên địa bàn huyện đang gặp rất nhiều khó khăn. Các HTX sau khi chuyển đổi hầu hết thừa hưởng lại các trang thiết bị cũ nát, xuống cấp, rất ít HTX có trụ sở làm việc riêng, phần lớn tận dụng nhà kho, phòng thừa của UBND xã. Hệ thống kênh mương  đều bị bồi lắng, cầu cống, trạm bơm xuống cấp nên kinh phí tu bổ, sửa chữa hàng năm rất lớn.

 

Nguồn thu của nhiều HTX chủ yếu có từ việc trích tiền thu thuỷ lợi phí. Sau khi, có quyết định miễn thuỷ lợi phí cho nông dân nên nguồn thu lại phải trông chờ vào tiền cấp bù của Nhà nước trong khi tiền cấp bù thường chậm hơn, nên thu nhập của HTX càng eo hẹp. Nhiều HTX sau một năm hoạt động chỉ đủ trang trải các khoản chi phí, lãi thu được chỉ vài triệu đồng.

 

Do đó, các hoạt động dịch vụ chưa được mở rộng, chất lượng dịch vụ chưa cao. Điều này khiến cho việc mở rộng các khâu dịch vụ trở thành bài toán khó đối với ban quản trị HTX. Anh Trịnh Xuân Dưỡng, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Thụy Hưng cho biết: “ Do thiếu vốn nên hoạt động của HTX gặp rất nhiều khó khăn, mượn tạm chỗ nọ  bù chỗ kia, có chút nào thì trích một ít hỗ trợ, khuyến khích xã viên một phần giống cây con mới đưa vào nuôi trồng.

 

 Vì vậy, năm nào thời tiết thuận, điều hành tốt các khâu dịch vụ thì lãi từ 20 đến 30 triệu đồng; còn năm nào sản xuất đối mặt với nhiều thiên tai dịch bệnh thì hết cả lãi, có khi còn âm”. Cùng với bài toán về vốn, bài toán về nhân lực đối với các HTX cũng khá nan giải. Toàn huyện còn 45,16% chủ nhiệm HTX, 73,8% phó chủ nhiệm, 82,25% kiểm soát, 24,2% kế toán trưởng, 75,8% kho quỹ  chưa qua đào tạo, không có trình độ chuyên môn nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của các HTX hiện nay.

 

Cùng với đó, cường độ lao động của cán bộ HTX rất vất vả, nhưng thực thế các chế độ tiền công chưa thoả đáng, mức lương bình quân của các chủ nhiệm HTX DVNN trong toàn huyện chỉ từ 1 đến 1,2 triệu đồng, các chức danh khác còn thấp hơn. Các chế độ cho cán bộ HTX trước đây, kể cả hiện nay giải quyết quá chậm, chế độ đóng BHXH cho cán bộ HTX đã được giải quyết nhưng chưa  thoả đáng nên đã làm giảm nhiệt tình của họ dẫn đến tình trạng cán bộ HTX kém phấn khởi, không năng động trong cơ chế mới, muốn thuyên chuyển công tác, không muốn gắn bó với HTX.

 

Khó khăn của các HTX dịch vụ nông nghiệp ở Thái Thụy hiện nay cũng là thực trang chung của hầu hết các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta và rất cần sớm được tháo gỡ. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, mỗi HTX cũng phải năng động, tự tìm hướng đi cho mình trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, có như vậy, các HTXDVNN mới tiếp tục tồn tại và phát triển cùng sự phát triển của kinh tế địa phương.

 

Nguyễn Hình.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày