Thứ 6, 22/11/2024, 09:12[GMT+7]

Cảng cá Tân Sơn – Nhộn nhịp ngày mới

Thứ 4, 29/05/2024 | 16:21:25
4,835 lượt xem
Từ tờ mờ sáng, tại cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), các hoạt động khai thác và buôn bán hải sản diễn ra sôi động. Những chiếc tàu cá trở về sau chuyến dài ngày đêm lênh đênh trên biển, chở đầy ắp hải sản tươi rói. Tiếng còi tàu, tiếng gọi nhau, tiếng cười hòa quyện tạo nên nét náo nhiệt đặc trưng của vùng đất ven biển.

Người dân tấp nập mua bán hải sản tại bến cá từ sớm.

Ông Lê Văn Miễn, 58 tuổi, xã Thụy Văn (Thái Thụy) đã hơn 20 năm làm việc trong đội vận chuyển hải sản. 

“Đội khiêng cá của chúng tôi có 5 người, làm việc từ khi tàu vào bờ, khoảng 1 giờ sáng. Ngày nào xong sớm thì khoảng 5 giờ sáng được về nhà. Nhưng cũng có khi tàu vào nhiều, anh em phải làm việc tới 7 giờ sáng. Công việc khá nặng nhọc, nhưng bù lại thu nhập bình quân khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, đủ để gia đình tôi sống ở quê. Vì thế, tôi sẽ gắn bó lâu dài với cảng cá, với biển”, ông Miến cho biết.

Ngư dân phân loại hải sản tại tàu.

Trên bến cá, các ngư dân đang tất bật phân loại, thu mua hải sản. Những con cá tươi rói, những con mực trắng nõn, những con ghẹ to béo… đã được phân loại thành từng rổ lớn. Khách hàng đến đây rất đông, ai cũng muốn chọn cho mình những mẻ hải sản tươi ngon nhất để về bán lẻ, để ăn. 

Các loại hải sản bán ở cảng Tân Sơn rất đa dạng từ cá nục, mực, tôm, ghẹ… cho đến cá song, cá thu.

Hơn 30 năm buôn bán hải sản tại cảng, bà Nguyễn Thị Hòa, 56 tuổi, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) chia sẻ: “Tôi phải có mặt ở đây từ 2 giờ sáng cho kịp mua hải sản của ngư dân để bỏ mối cho các tiểu thương đến lấy hàng. Có ngày tôi mua đi bán lại phải đến 400 - 500kg hải sản, tàu có loại nào tôi buôn loại đó”.

Thương lái và người dân thu mua tại chỗ, đưa về các chợ đầu mối hoặc chế biến để phơi.

Trời ngày càng sáng, ngư dân buôn bán tại bến cảng lại càng tấp nập khẩn trương. Người bê khay đi rửa, người cân hải sản, người đóng bao thêm đá… để đưa lên xe kịp cho lái buôn chở đi. Có thể nhìn rõ vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt của mọi người, nhưng đối với họ, cố gắng bươn chải sống với nghề cá luôn là lựa chọn hàng đầu, vì với họ, bám trụ với nghề mới nuôi sống và trang trải được cho gia đình.

Chị Hà Thị Thủy, 38 tuổi, xã Thụy Xuân (Thái Thụy) tâm sự: “Nhiều lúc cũng mệt mỏi, làm việc không kể thời gian, thức khuya dậy sớm hay giữa trưa nắng gắt, cứ tàu về là mọi người phải có mặt tại cảng ngay. Có lần tôi chạy nhanh quá không phanh kịp, không may gặp tai nạn phải nằm viện cả tháng trời. Sau lần đó tôi luôn cẩn trọng, đặt sức khỏe, sự an toàn lên hàng đầu.”

Hầu hết các mặt hàng ở đây đều được tiêu thụ hết trong ngày.

Không chỉ là điểm giao dịch mua bán mà tại đây còn là nơi các ngư dân tập trung để sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, chuẩn bị cho các chuyến ra khơi. 

"Cảng cá như là trái tim của ngành nghề hải sản của người dân nơi đây. Mọi hoạt động từ đánh bắt, phân chia, mua bán đều diễn ra thường ngày. Nếu cảng cá ngừng hoạt động thì người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, bà Hòa tâm sự.

Vốn dĩ là một địa điểm sôi động, nhộn nhịp từ những giờ đầu tiên của ngày mới, cảng cá Tân Sơn đang là một trung tâm thương mại quan trọng của một miền quê ven biển, góp phần tạo nên diện mạo kinh tế phát triển của địa phương.

Hà Phương - Quang Phú

(Sinh viên kiến tập)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày