Hiệu quả mô hình liên kết trồng ớt xuất khẩu ở An Châu
Đây là vụ đầu tiên gia đình bà Nguyễn Thị Luyến, thôn Kim Châu 2 tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với HTX DVNN xã và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 (Hà Nội) triển khai. Sau gần 6 tháng trồng, chăm sóc theo hướng dẫn, tháng 3 ớt bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, gia đình bà đã thu được gần 3 tạ ớt.
Bà Luyến phấn khởi cho biết: Được HTX tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển 1 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ớt xuất khẩu. Tham gia mô hình, gia đình tôi được cung cấp giống bảo đảm chất lượng, hỗ trợ lân đạm để bón cho cây phát triển nhanh, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 và HTX DVNN xã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch ớt cho chúng tôi. Ớt phát triển tốt, sai quả, chín đều, cứ 1 tuần thu một lần. Thu quả đến đâu Công ty về thu mua đến đó với giá ổn định 19.000 đồng/kg, theo đúng hợp đồng ký kết từ đầu vụ.
Theo chia sẻ của các hộ nông dân, trồng ớt tuy vất vả, mất nhiều công hơn so với cấy lúa nhưng bù lại thời gian thu hoạch của ớt kéo dài (khoảng 5 tháng); giá bán ớt cao, ổn định, thu nhập của người trồng cao gấp 4 - 5 lần so với cấy lúa.
Ông Hồ Xuân Tuyên, thôn Kim Châu 2 cho biết: Ruộng nhà tôi cao hợp với cây ớt hơn cấy lúa, vì vậy tôi đã đăng ký tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu trên diện tích 1 sào. Lần đầu trồng ớt tôi cũng hồi hộp, lo lắng, vì vậy tôi tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, đồng thời dùng phân hữu cơ, phân chuồng ủ mục để bón thêm cho ớt. Mỗi lứa tôi thu được gần 40kg ớt quả. Giá Công ty thu mua cao hơn cả giá ngoài thị trường. Được mùa lại được giá, chúng tôi rất phấn khởi. Nếu vụ sau Công ty và HTX tiếp tục triển khai mô hình, tôi vẫn sẽ đăng ký tham gia.
Không chỉ bà Luyến, ông Tuyên mà hàng chục hộ nông dân tham gia mô hình liên kết trồng ớt ở xã An Châu đều có chung niềm vui được mùa, được giá, mong muốn vụ sau mô hình tiếp tục được thực hiện ở địa phương để bà con tham gia và mở rộng diện tích trồng.
Bà Nguyễn Thị Kết, thôn Kim Châu 2 cho biết: Nhìn ruộng ớt sai trĩu quả, quả xanh, quả đỏ đan xen, hoa nở trắng ruộng dù vất vả chúng tôi vẫn vui. Trồng ớt một lần thu nhiều lần, kéo dài nhiều tháng. Điều đặc biệt là Công ty rất uy tín, thu mua ớt quả đúng giá ký kết dù hiện tại giá ngoài chợ thấp hơn. Mong Công ty tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình để chúng tôi có cơ hội chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Xã An Châu từ lâu đã trở thành “thủ phủ” của cây vụ đông với cây chủ lực là su hào, bắp cải, dưa chuột, bí... Cây ớt cũng đã từng có mặt trên đồng đất An Châu song do giá cả không ổn định, người dân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” do phải tự lo đầu ra, vì vậy không mặn mà trồng nữa. Khi mô hình trồng ớt xuất khẩu có liên kết bao tiêu sản phẩm được triển khai, bà con rất mừng đưa cây ớt trở lại đồng ruộng, đồng thời thực hiện nghiêm hướng dẫn của ngành chức năng nên ớt phát triển nhanh, cho năng suất cao, quả đẹp.
Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: An Châu có hơn 3ha ruộng ở vùng cao cấy lúa kém hiệu quả, xã đã vận động bà con chuyển trồng ớt xuất khẩu từ tháng 10 năm ngoái. Để việc trồng ớt đem lại hiệu quả, Công ty và HTX đã phối hợp tổ chức tập huấn cho bà con 3 buổi về lợi ích của trồng ớt xuất khẩu, về quy trình trồng, chăm bón, các loại bệnh thường gặp và cách phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch... Từ khi trồng đến nay, HTX thường xuyên phối hợp cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty hướng dẫn, giám sát các hộ nông dân triển khai mô hình. Lúc mới trồng, cây ớt gặp thời tiết bất thuận song có hướng dẫn kịp thời, bà con tích cực chăm bón do đó cây ớt phục hồi, phát triển trở lại. Đến giờ toàn bộ diện tích ớt đã cho thu hoạch lứa 2 và còn cho thu quả đến khoảng tháng 8. Thị trường giá thu mua thấp hơn giá Công ty đã ký kết từ đầu vụ nhưng để bảo đảm quyền lợi người trồng chúng tôi đã làm việc với Công ty giữ nguyên giá, đồng thời vận động người trồng chăm sóc tốt để ớt ra quả đều, đẹp.
Thời gian tới, xã An Châu quy hoạch vùng trồng ớt và các loại cây màu khác trên địa bàn để tạo chuỗi liên kết bền vững, tránh việc nông dân trồng ồ ạt, khó kiểm soát dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá.
Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại cánh đồng thôn Kim Châu 2, xã An Châu cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiếu Nghĩa
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng