Những nông dân “ôm” đất “dệt” mùa vàng
Tích tụ cấy gần 15ha lúa
Cái nắng chói chang ngày hè làm những ruộng lúa trĩu bông của gia đình anh Phạm Văn Đoàn, xã Đông Động chín nhanh hơn, nhuộm vàng cả cánh đồng. Vụ xuân năm nay, anh Đoàn cấy gần 15ha với 2 giống lúa chất lượng là BC15 và TBR225, vừa để làm giống vừa bán thóc thương phẩm. Đây là năm thứ 10 anh thực hiện tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa. Những vụ đầu anh chỉ cấy 6 - 7 mẫu, nhưng sau tiếc “bờ xôi ruộng mật” bà con không sản xuất anh lại nhận để cấy, thêm vào đó có kinh phí hỗ trợ của tỉnh anh mạnh dạn vay mượn thêm đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy cấy, máy cày, máy bừa, máy bón phân... phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ cho bà con.
Mỗi vụ anh Phạm Văn Đoàn (bên phải) thu gần 100 tấn thóc.
Anh Đoàn chia sẻ: Trước sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vất vả lại không hiệu quả, thiên tai, chuột, sâu bệnh hại là không có thu, giờ tôi tích tụ ruộng dồn đổi thành ruộng lớn vài mẫu một thửa, cơ giới hóa gần như toàn bộ các khâu, do đó cấy lúa nhàn hơn nhiều, chi phí thấp, giảm công lao động, năng suất cao, hiệu quả thấy rõ. Tôi luôn chú trọng từ khâu chọn giống chất lượng cao, theo nhu cầu của thương lái đến cấy, chăm sóc bảo đảm kỹ thuật, vì vậy ruộng lúa của gia đình luôn đẹp, năng suất hơn các hộ cấy nhỏ lẻ. Thu hoạch đến đâu thương lái thu mua ngay đến đó với giá bán 8.000 đồng/kg, mình không phải mất công sấy, phơi. Mỗi năm gia đình thu gần 200 tấn thóc, trừ chi phí lãi được 500 - 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn làm dịch vụ cày, cấy, gặt cho bà con mỗi vụ khoảng 20 mẫu để tăng thu nhập cho gia đình. Ngày càng có nhiều hộ nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, sẵn sàng cho tôi thuê, mượn ruộng cấy lúa nhưng khi tôi đặt vấn đề kéo dài thời gian thuê, mượn chứ không phải theo vụ như hiện nay thì họ lại không đồng ý. Thời gian thỏa thuận thuê ruộng ngắn, tôi không dám đầu tư mua thêm các loại máy móc, làm hệ thống bờ vùng, bờ thửa kiên cố để phát triển, mở rộng sản xuất... Tôi mong cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động để các hộ nông dân kéo dài thời gian cho tôi thuê, mượn ruộng.
Giàu lên nhờ thuê ruộng
Từ ngày thuê, mượn ruộng của những hộ không cấy để sản xuất lớn, vợ chồng chị Phạm Thị Thủy, xã Đông Động không còn phải bươn chải đi làm thuê kiếm sống nữa mà đã trở thành “điền chủ”, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng từ cấy lúa hàng hóa.
Chị Thủy cho biết: Hiện tôi đang thuê, mượn ruộng của 40 hộ với diện tích 13ha cấy giống BC15 và TBR225. Vì muốn thuận tiện cho canh tác, tôi đã chủ động đổi ruộng tốt lấy ruộng xấu để quy thành những mảnh ruộng lớn 3 - 5 mẫu, cấy cùng một giống. Nếu trước đây 13ha này, 40 hộ chủ ruộng phải thuê hoặc đổi công cho nhiều người, mất nhiều ngày, tốn nhiều kinh phí mới cấy và thu hoạch xong thì nay với sự trợ giúp của máy móc hiện đại, hai vợ chồng tôi đảm nhận hết từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, bón phân, phun thuốc trừ sâu, đặc biệt thu hoạch chỉ trong vài ngày là xong.
Cấy nhiều, do vậy chị Thủy thường dành phần lớn thời gian của mình ngoài đồng để kiểm tra, kịp thời chăm bón, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa. Với cách làm chuyên nghiệp đó, các thửa ruộng của gia đình chị bông nào chắc bông nấy, hạt mẩy tròn, cả bông lúa gần như không có hạt lép, năng suất thường cao hơn các hộ khác từ 20 - 30kg/sào. Vẫn chăm chỉ cấy trên những mảnh ruộng cũ nhưng nhờ thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, thủ công sang sản xuất trên cánh đồng lớn, ruộng không bờ, vợ chồng chị Thủy còn làm chủ máy móc nông nghiệp hiện đại, cấy lúa thương phẩm, biến những cánh đồng thu hoạch thấp thành những cánh đồng vàng bội thu.
Nhờ tích tụ ruộng cấy 1 – 2 giống lúa, năng suất lúa của gia đình chị Phạm Thị Thủy thường cao hơn các hộ cấy nhỏ lẻ 20 – 30kg/sào.
Chị Thủy khẳng định: Nhờ tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất theo nguyên tắc “3 cùng” - cùng giống, cùng trà, cùng phương pháp canh tác đã giảm được rất nhiều chi phí ở tất cả các khâu, năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn so với trước. Tuy nhiên, khó khăn mà tôi và các hộ thực hiện tích tụ gặp phải là nhiều ruộng xen kẹp với các hộ đang sản xuất, không thể dồn đổi thành những mảnh ruộng lớn liền vùng, liền thửa từ 5ha trở lên, các hộ nông dân cho thuê, mượn theo vụ, thỏa thuận miệng, không có hợp đồng thuê, mượn. Dù chúng tôi tích tụ nhiều song chưa thể đáp ứng điều kiện để được nhận hỗ trợ theo quy định của tỉnh, của huyện. Đề nghị tỉnh thu hẹp diện tích yêu cầu tích tụ và diện tích liền mảnh để những người tích tụ ruộng được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ, chung tay giảm ruộng hoang, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Thu từ lúa 600 - 800 triệu đồng/năm
Đứng giữa cánh đồng trải dài bát ngát một màu vàng của những ruộng lúa trĩu bông, anh Phạm Văn Thanh, xã Phú Châu hồ hởi cho biết: Làm nông nghiệp bao năm, tôi không nghĩ có ngày chỉ hai vợ chồng có thể canh tác 10ha, năng suất tăng 8 - 10% so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Trước đây, mỗi mùa vụ, dù cấy có vài sào ruộng tôi vẫn phải vất vả đi tìm thuê người cấy, người phun thuốc trừ sâu, người gặt và thuê máy tuốt lúa. Cái gì cũng phải thuê vì vậy sản xuất lãi ít, có vụ mưa bão, chuột phá hoại còn lỗ.
Anh Phạm Văn Thanh (áo kẻ) tích tụ 10ha, mỗi năm thu 600 -800 triệu đồng.
Thấy lợi ích mang lại từ sản xuất trên ruộng lớn, anh Thanh đã không ngại đi đến từng nhà cho anh thuê, mượn ruộng vận động họ đổi ruộng để anh dồn vào một vùng, một mảnh, trở thành người đầu tiên của huyện có mảnh ruộng lớn trên 6ha. Anh cũng mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng mua 3 máy cấy, 1 máy cày, 1 máy gặt, tự làm máy gieo mạ khay phục vụ sản xuất; thuê thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu. Vụ xuân này, do chăm sóc tốt lúa cho năng suất cao 2,2 - 2,4 tạ/ sào. 50% lượng thóc thu được anh cân tươi cho thương lái, còn 50% anh phơi khô để lại được giá mới bán. Mỗi năm anh thu từ cấy lúa 600 - 800 triệu đồng, số tiền mà trước đây vợ chồng anh làm ruộng rất vất vả cũng không nghĩ có được. Điều anh trăn trở là cấy nhiều nhưng lại không có đất để làm nhà chứa thóc, xây lò sấy thóc, anh mong chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ hoàn thiện thủ tục xây nhà chứa thóc, lò sấy thóc.
Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa đem lại hiệu quả thiết thực, trong đó anh Phạm Văn Đoàn, chị Phạm Thị Thủy, xã Đông Động; anh Phạm Văn Thanh, xã Phú Châu là những người tiên phong. Nhờ tích tụ ruộng đất đã hình thành nên những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng; tháo gỡ được khó khăn về tình trạng thiếu lao động ở các địa phương; giảm chi phí vật tư nông nghiệp; nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ những diện tích nhỏ lẻ, khó canh tác, hiệu quả kinh tế thấp... nhờ tích tụ đã nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Điều đó khẳng định tích tụ, tập trung đất đai cấy lúa hàng hóa là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các hộ mượn ruộng mới dừng lại ở hình thức tự phát, tự thỏa thuận mà chưa có hợp đồng về thời hạn thuê, mượn ruộng. Thời gian tới, để có thêm những mô hình tích tụ, tập trung sản xuất lúa hiệu quả hơn nữa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các hộ đồng thuận dồn đổi ruộng; rà soát, hướng dẫn, hoàn thiện thủ tục để các hộ tích tụ được hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện bảo đảm đúng quy định.
Toàn huyện Đông Hưng hiện có gần 2.000 hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, góp vốn, cho thuê quyền sử dụng đất, tham gia liên kết sản xuất để tích tụ, tập trung đất đai với diện tích 2.200ha. Trong đó, 500 - 600 vùng có diện tích dưới 5ha; 20 vùng có diện tích từ 5ha đến dưới 10ha; 3 - 5 vùng có diện tích từ 20ha đến dưới 50ha. Khi người trẻ không còn mặn mà với đồng ruộng thì những người nông dân như anh Đoàn, chị Thủy, anh Thanh lại say mê với đồng ruộng, mạnh dạn tích tụ hàng chục ha/hộ để cấy lúa thương phẩm, biến những mảnh ruộng hoang, nhỏ lẻ, cấy lúa kém hiệu quả thành những mảnh ruộng lớn, lúa tốt tươi, cho thu hàng trăm tấn thóc/vụ, mở ra hướng đi mới hiệu quả, bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Song, chính quyền các cấp cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm đến với các hộ gia đình, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai để tiếp thêm động lực cho họ mở rộng diện tích, đầu tư máy móc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. |
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng