Thái Thụy: Nông dân vượt khó làm giàu
Linh hoạt phát triển chăn nuôi
Với sự cần cù cùng quyết tâm vượt khó làm giàu, ông Phạm Văn Phương, thôn 2 Đông Hồ (Thụy Phong) đã phát triển mô hình kinh tế trang trại nuôi ngan đem lại thu nhập cao.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Phương cho biết: Năm 2002, tôi thấy một số hộ gia đình chăn nuôi gia cầm có hiệu quả kinh tế cao. Lúc đó với số vốn hơn 2,5 triệu đồng, tôi đã bàn với gia đình đầu tư xây chuồng trại nuôi ngan, gà, vịt, tổng đàn chỉ có 70 con/lứa. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi hiệu quả kinh tế thấp. Không nản chí, tôi học hỏi kiến thức chăn nuôi qua sách báo, tivi, đến tìm hiểu mô hình chăn nuôi hiệu quả. Khi nắm vững kiến thức kỹ thuật, tôi mở rộng diện tích 3.000m2 để nuôi 1.000 con ngan/lứa, 1.000 con vịt bầu lai/lứa. Nhưng nghe ngóng thị trường thấy bán thịt thủy cầm và bán trứng giá cả bấp bênh, khó tiêu thụ, mà giá mua con giống lại cao, địa phương chưa có hộ gia đình nào bán con ngan giống số lượng lớn, tôi quyết định chuyển sang sản xuất ngan giống. Nắm bắt thị trường có giống ngan mới R76 năng suất và chất lượng vượt trội hơn so với giống ngan R71 nên tôi đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (thành phố Hà Nội) mua giống bố mẹ.
Hiện tại, trang trại của ông Phương rộng trên 5.700m2, nuôi 1.500 ngan đẻ và 400 ngan hậu bị, 3 lò ấp, công suất 12.000 quả/lò. Hàng năm, thời điểm xuất bán con giống nhiều nhất từ tháng 6 - 9 (trung bình cứ 3 ngày xuất bán 1.200 con giống) với giá bán 16.000 - 18.000 đồng/con, doanh thu từ bán con giống khoảng 500 - 700 triệu đồng/năm. Theo tính toán của ông Phương, chi phí 1 con ngan từ 1 ngày tuổi đến khi đẻ trứng mất khoảng 400.000 đồng, sau 1 năm thu hoạch trứng, khi ngan đẻ kém có thể bán làm ngan thịt với giá trung bình 70.000 đồng/kg (trung bình 3,5kg/con) nên cũng có một khoản thu nhập.
Ông Phạm Ngọc Triệu, Chủ tịch UBND xã Thụy Phong cho biết: Ông Phạm Văn Phương là nông dân Công giáo tiêu biểu, đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại có thu nhập cao ở xã. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giúp đỡ bà con nông dân về kiến thức, kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế trang trại, từ đó mạnh dạn đầu tư vươn lên và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Ông Phạm Văn Phương phát triển mô hình nuôi ngan đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
“Chọn khó” để chủ động đầu ra
Đến thôn Vũ Đông (Thụy Xuân) ai cũng biết bà Lâm Thị Tản là hộ SXKDG với nghề nuôi cua, cá giống ở địa phương. Sau 40 năm theo nghề, đến nay bà Tản đã có được những thành quả nhất định. Bà Tản có 4 trang trại sản xuất giống ở Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nha Trang. Mỗi trang trại, bà sản xuất 300 - 400 vạn cua giống/tháng (trung bình 7 - 8 lứa/năm), 70 vạn cá giống/năm.
Bà Tản chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 5.000m2 ao nuôi nước lợ. Ban đầu tôi nuôi tôm, cua, cá sủ… nhờ tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nên thu nhập khá từ nuôi thuỷ sản. Trải qua mấy năm trực tiếp nuôi, tôi nhận thấy nhu cầu mua cua, cá giống của bà con trên địa bàn khá lớn. Trong khi đó, việc mua và vận chuyển giống thủy sản từ địa phương khác về Thụy Xuân lại vất vả, tốn kém. Bên cạnh đó, quãng đường vận chuyển xa nên tỷ lệ hao hụt của con giống khá cao. Từ đó, tôi nghĩ có thể phát triển kinh tế gia đình từ nghề nuôi cua, cá giống. Lứa đầu tiên, tôi thả một vạn cua giống, bé bằng ¼ hạt gạo. Bất ngờ chỉ sau 13 - 15 ngày nuôi gột, tỷ lệ hao hụt 50% nhưng vẫn bán lãi hơn 3 triệu đồng. Các hộ nuôi thuỷ sản ở trong xã, huyện đến mua rất đông, tôi không kịp cung ứng. Kể từ đó tôi chuyển hẳn sang nuôi cua giống, sau này nuôi thêm cá giống. Để thành công với nghề này, tôi và chồng đã lặn lội đi Hải Phòng, Thanh Hóa, Nha Trang… học tập kinh nghiệm. Hiện tôi thường mua cua giống ở Hải Phòng, Thanh Hóa, 1 vạn con/6 triệu đồng sau 13 - 15 ngày ương nuôi tôi bán 1.700 đồng/con cua. Ngoài nuôi cua giống, tôi nuôi thêm các loại cá giống như cá song, cá vược, cá sủ… Để cá đạt tỷ lệ sống cao, tôi phải chọn nhập nguồn giống nuôi tốt, thức ăn bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng, thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh. Tôi lấy nguồn cá giống chủ yếu ở Hải Phòng, sau 1 tháng nuôi con giống từ 3 - 4cm sẽ phát triển lên 7 - 8cm, giá bán 15.000 đồng/con. Từ nghề nuôi cua, cá giống, kinh tế gia đình tôi ổn định, tổng doanh thu 1 tỷ đồng/năm.
Nếu như nuôi tôm và cua theo hình thức thương phẩm đã khó, thì nuôi cua, cá giống để bán còn khó hơn nhiều. “Chọn khó” để chủ động về đầu ra và giá bán, bà Tản là người đầu tiên ở xã Thụy Xuân nuôi cua, cá giống thành công, làm giàu từ nghề này.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Xuân cho biết: Thành công mô hình nuôi cua, cá giống của bà Lâm Thị Tản đã lan tỏa phong trào SXKDG ở địa phương. Trong nuôi thủy sản, bà Tản đã không giấu nghề, luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, tận tình giúp đỡ hội viên nông dân trong xã về kỹ thuật nuôi để mọi người nuôi hiệu quả, tạo động lực, khích lệ bà con cùng nhau phát triển kinh tế. Hiện, Chi hội nông dân thôn Vũ Đông có 8 hộ nuôi cua, cá giống, thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, đây là chi hội có số nông dân SXKDG nhiều nhất xã.
Chi hội nông dân thôn Vũ Đông, xã Thụy Xuân có 8 hộ nuôi cua, cá giống, thu nhập từ 300 triệu – 500 triệu đồng/năm.
Ông Phương, bà Tản là hai trong số rất nhiều hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG ở huyện Thái Thụy. Thực tế cho thấy, nông dân thời đại mới muốn thành công phải vượt khó, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, nhạy bén với thị trường.
Theo Hội Nông dân huyện Thái Thụy, phong trào nông dân SXKDG ở địa phương ngày càng phát triển sâu rộng, tăng nhanh về số lượng, quy mô. Hiện nay, huyện có hơn 24.000 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, đạt trên 70% số hộ đăng ký. Từ phong trào này đã đem lại đổi thay rõ nét trong đời sống của nhiều hộ nông dân. Nhiều hộ khó khăn đã trở nên khá, giàu và giúp đỡ những hộ khó khăn khác về con giống, vốn, vật tư phục vụ cho sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn.
Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững cả về chất lượng và quy mô. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, dạy nghề, giới thiệu việc làm... giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất, tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nguyễn Thắm
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng