Lão nông đam mê đồng ruộng
Dưới cái nắng chói chang, làn da rám nắng, đôi bàn tay chai sạn, ông Nhân chia sẻ: Khi còn là thanh niên, tôi tình nguyện tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, tới năm 1984 về địa phương, tham gia công tác trên thành phố rồi xin nghỉ chế độ sớm để về quê lập nghiệp. Ngày đó, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là đi buôn rau, củ, quả vào miền Trung bởi hàng hóa trong đó khan hiếm. Mỗi lần thu mua lên tới hàng chục tấn nên dần tôi trở thành người buôn bán lớn nhất khu vực và cũng là người có cuộc sống dư giả ở địa phương. Song càng đi nhiều tôi càng thấy yêu đồng ruộng ở quê mình bởi đó là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, phù hợp để trồng các loại cây màu cho hiệu quả kinh tế cao. Trước tình trạng nhiều người bỏ ruộng, để không lãng phí tài nguyên đất đai, tôi đã mượn ruộng của bà con để trồng rau màu, làm giàu từ nông nghiệp. Từ diện tích hơn 4 sào của nhà tôi đã phát triển dần tới vài mẫu và lên tới hơn 30 mẫu trồng khoai tây vụ đông, sản lượng bình quân đạt trên 300 tấn/vụ với giá bán từ 7.000 - 9.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Để có được kết quả trên, theo ông Nhân, điều quan trọng nhất là phải chọn được giống khoai tây nguyên chủng, trồng trên đất cát pha ở diện tích đất hai lúa mới hạn chế được mầm bệnh. Đồng thời, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại và kho lạnh để bảo quản khoai tây giống, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, phải là người thực sự đam mê, tâm huyết với đồng ruộng, có ý chí vượt qua mọi khó khăn mới có thể trụ vững bởi không phải năm nào trồng cũng thắng lợi do còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường, cách chăm sóc, đầu ra sản phẩm... Điển hình như vụ đông năm 2019, khi chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch nhưng lại xảy ra mưa lớn nên toàn bộ 30 mẫu khoai tây bị ngập nước, mất trắng do củ bị hỏng, thối khiến ông thua lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Hay như vụ đông năm 2023, ông Nhân bỏ ra hơn 800 triệu đồng để trồng 34 mẫu khoai tây, tuy nhiên giá bán khoai thấp, chỉ 6.000 đồng/kg, năng suất bình quân đạt 3 tạ củ/ sào, giảm một nửa so với mọi năm nên vừa mất mùa, vừa mất giá, ông thua lỗ hơn 300 triệu đồng.
Mặc dù vậy, chưa bao giờ ông Nhân nản chí, năm 2021 ông tiếp tục thuê hơn 1 mẫu ruộng để làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung trồng các loại dưa cho ra sản phẩm sạch.
Ông Nhân chia sẻ thêm: Để làm được mô hình này tôi đã đầu tư 1 tỷ đồng lấp trũng, xây dựng hệ thống cổng dậu, 1.000m2 nhà lưới hiện đại, trồng dưa chuột, dưa lê ở trong và ngoài nhà lưới với sản lượng bình quân 1,5 - 2 tấn dưa chuột/ sào, 6 tạ dưa lê/sào. Tuy nhiên, mô hình này hiện tại vẫn chưa cho hiệu quả kinh tế cao bởi giá thành sản phẩm bán ra thấp, chưa tìm được thị trường tiêu thụ nông sản sạch nên hiệu quả chưa tương xứng với nguồn vốn bỏ ra cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tôi còn phối hợp với người thân thuê ruộng ở xã khác để trồng dưa gang, duy trì cấy 5 mẫu lúa giống TBR225 và liên kết với các thương lái bán thóc tươi ngay tại ruộng với giá cao hơn giá thị trường.
Tự nhận mình là người “bảo thủ” vì nhiều người khuyên ông bỏ làm nông nghiệp bởi tuổi đã cao song ông Nhân không nghe. Ông bảo: Còn sức khỏe tôi còn tiếp tục gắn bó với đồng ruộng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thuê mượn ruộng để liên kết với doanh nghiệp trồng 10ha khoai tây giống mới, là giống khoai ruột trắng, thơm, ngon, bở, thời gian sinh trưởng từ 110 - 120 ngày. Làm theo mô hình này tôi được doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, bao tiêu đầu ra sản phẩm, tôi chỉ phải bỏ công làm ruộng. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là chưa thuê được ruộng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và thời gian sinh trưởng, phát triển của cây khoai tây.
Đánh giá về ông Vũ Hoài Nhân, ông Phạm Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ cho biết: Trong quá trình sản xuất, mặc dù gặp nhiều rủi ro do thời tiết bất thuận, giá cả bấp bênh nhưng ông Nhân không từ bỏ, vẫn đam mê với đồng ruộng. Chính vì thế, xã luôn tạo điều kiện tốt nhất về mặt bằng để ông có diện tích sản xuất hiệu quả, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời để ông có thêm động lực mở rộng diện tích trồng cây màu, cây vụ đông.
Ông Vũ Hoài Nhân duy trì cấy 5 mẫu lúa giống TBR225.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh