Chủ nhật, 29/12/2024, 01:57[GMT+7]

Vũ Thư: Tăng số lượng máy cấy phục vụ sản xuất vụ mùa

Thứ 2, 08/07/2024 | 11:06:57
1,697 lượt xem
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, vụ mùa năm nay, nông dân huyện Vũ Thư đưa hơn 150 máy cấy xuống đồng nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động, đồng thời bảo đảm thời vụ sản xuất.

Tổ máy cấy của gia đình ông Nguyễn Văn Tăng, thôn Nhân Bình, xã Vũ Vân (Vũ Thư) gieo cấy gần 100ha lúa ở vụ mùa năm nay.

Nếu áp dụng phương thức cấy thủ công như trước, nông dân xã Vũ Vinh cần 2 - 3 tuần để hoàn thành gieo cấy hơn 200ha lúa mùa. Nhưng với 12 máy cấy xuống đồng, tiến độ sản xuất vụ mùa năm nay được rút gọn xuống chỉ còn 5- 7 ngày. 

Ông Trần Đình Nhất, Giám đốc HTX NN xã Vũ Vinh cho biết: Trong điều kiện thiếu lao động, thời tiết nắng nóng, việc đưa máy cấy xuống đồng rất hiệu quả, được người dân hưởng ứng cao. Có máy cấy, tiến độ gieo cấy lúa được đẩy nhanh, tránh được rủi ro thiên tai khó lường. Việc gieo mạ khay dự phòng cũng thuận tiện hơn gieo mạ dự phòng tại diệc mạ. Qua mấy vụ sản xuất cho thấy, diện tích lúa cấy máy do bảo đảm mật độ theo tiêu chuẩn nên lúa ít sâu bệnh, chi phí thuốc trừ sâu giảm, năng suất tăng 15 - 20%. Đến nay, nông dân địa phương rất ủng hộ máy cấy xuống đồng, tỷ lệ lúa cấy máy của xã đạt 80% ở vụ mùa này, trong đó thôn Bộ La, Nhân Bình đạt 90 - 95%... 

Ông Phạm Văn Mưu, chủ máy cấy thôn Bộ La, xã Vũ Vinh chia sẻ: Gia đình tôi vừa đầu tư hơn 150 triệu đồng mua 1 chiếc máy cấy của Nhật Bản, tuy đã qua sử dụng nhưng máy còn hoạt động tốt. Số vốn khá lớn nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư, phục vụ sản xuất của gia đình và nhân dân. 

Nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, trong đó có máy cấy, mấy năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tăng, thôn Nhân Bình, xã Vũ Vân sản xuất được 15ha lúa mỗi vụ, thu lãi 200 - 500 triệu đồng/vụ. Không những thế, dịch vụ máy cấy của ông Tăng còn cấy được hơn 100ha lúa ở vụ mùa năm nay, giúp hàng trăm nông hộ các xã Vũ Vân, Việt Thuận giải quyết bài toán thiếu nhân lực và thời vụ sản xuất gấp gáp. 

Ông Tăng chia sẻ: Chi phí đầu tư mua máy cấy hơn 300 triệu đồng, trong đó tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng theo cơ chế hỗ trợ máy cấy của tỉnh. Tôi mong các cấp, các ngành tạo điều kiện về mặt bằng gieo mạ khay, vì phải có đủ lượng mạ khay mới mở rộng diện tích cấy máy được. 

Bà Nguyễn Thị Cậy, thôn Tiền Phong, xã Vũ Vân cho biết: Chi phí dịch vụ cấy máy năm nay là 270.000 đồng/sào bao gồm cả mạ khay, trong khi đó công cấy thủ công là 350.000 đồng/sào (không bao gồm mạ). Rất may một số hộ đầu tư máy cấy hỗ trợ nông dân. Như tôi hiện đã 70 tuổi, nếu không có máy cấy, phải thuê thợ cấy, chi phí cao, có lẽ tôi cũng đành bỏ ruộng hoang. 

“Chủ trương đưa máy cấy xuống đồng ban đầu gặp nhiều khó khăn. Xã vừa quy vùng sản xuất vừa tuyên truyền, vận động, nhưng tỷ lệ cấy máy chỉ đạt 20 - 30% diện tích. Tuy nhiên, từ hiệu quả thực tế cộng với cơ chế hỗ trợ máy cấy của tỉnh ra đời, xã tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay nhân dân hưởng ứng tích cực, lúa cấy máy của xã hiện đạt 90% diện tích. Bản thân tôi rất mừng vì máy cấy giúp bà con từ bỏ thói quen gieo thẳng, hạn chế thuốc diệt cỏ và ốc bươu, góp phần bảo vệ môi trường và nhờ có máy cấy, xã không còn ruộng hoang hóa nữa” - ông Bùi Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết. 

Kinh phí đầu tư máy cấy từ 80 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng, một khoản chi khá lớn đối với nông dân; nhưng với nhiều lợi ích mà nó mang lại, nhiều hộ vẫn sẵn sàng đầu tư mua máy cấy. Vụ mùa năm nay, huyện Vũ Thư có hơn 150 máy cấy các loại, trong đó một số địa phương có số lượng từ 7 - 13 máy cấy/ xã như Tân Phong, Vũ Vinh, Vũ Vân, Song Lãng, Hiệp Hòa, tỷ lệ lúa cấy bằng máy chiếm từ 50 - 90% diện tích. Với số lượng máy cấy trên đồng ruộng được tăng cường, huyện Vũ Thư phấn đấu gieo cấy xong 7.500ha lúa mùa trước ngày 10/7. 

Vụ mùa năm nay, nông dân xã Vũ Vinh đầu tư 12 máy cấy xuống đồng phục vụ sản xuất.

Quỳnh Lưu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày