Thứ 4, 22/01/2025, 14:08[GMT+7]

Chạy đua cùng thời vụ

Thứ 4, 10/07/2024 | 08:47:54
6,256 lượt xem
Những ngày này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, phấn đấu kết thúc thời vụ sản xuất trước ngày 20/7.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.500 máy cấy các loại, giúp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy.

Vụ mùa thời vụ gấp gáp, thực hiện phương châm “thu hoạch đến đâu tiến hành làm đất, gieo cấy đến đó”, các địa phương của huyện Tiền Hải đã chủ động xây dựng kế hoạch, điều tiết nước theo đề án của Xí nghiệp Khai thác thủy lợi huyện kết hợp thau chua rửa mặn, phân vùng hoạt động máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất, giúp nông dân thuận lợi, chủ động trong gieo cấy. Do đó, tuy là địa phương thu hoạch lúa xuân muộn nhất tỉnh nhưng đến ngày 4/7, 100% diện tích gieo cấy lúa mùa (9.700ha) của huyện đã làm đất xong, sẵn sàng cho nông dân xuống đồng gieo cấy. 

Ông Đỗ Văn Viết, chủ máy làm đất xã Tây Tiến cho biết: Bây giờ hệ thống hạ tầng, thủy lợi đồng bộ, thửa ruộng lớn, bằng phẳng nên tiến độ sản xuất nhanh hơn so với sản xuất trên những thửa ruộng nhỏ trước kia. Nhờ cơ giới hóa gắn với xóa bỏ bờ ngăn nên thu hoạch lúa nhanh hơn, tạo thế chủ động sản xuất vụ mùa. 

Những ngày đầu tháng 7, cùng với nông dân các địa phương trong tỉnh, nông dân huyện Thái Thụy khẩn trương xuống đồng gieo cấy lúa mùa. 

Chị Nguyễn Thị Phượng, xã Thụy Phong cho biết: Bước vào sản xuất vụ mùa, HTX đã chủ động phương tiện tiến hành làm đất, cung ứng thóc giống cho nông dân gieo mạ bảo đảm thời vụ. Những ngày thời tiết nắng nóng, chúng tôi chủ động gieo cấy vào sáng sớm, chiều tối và cấy ban đêm để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến sinh trưởng của cây lúa sau gieo cấy. Sản xuất vụ mùa thường gặp mưa úng và đây cũng là thời gian có lượng mưa lớn tập trung trong năm, vì vậy, huyện Thái Thụy chỉ đạo các HTX DVNN hướng dẫn nông dân quy vùng, gieo tăng lượng mạ đề phòng bất thuận của thời tiết. Ngoài ra, huyện hướng dẫn các địa phương chuẩn bị lượng thóc dự phòng trên cơ sở kế hoạch diện tích và đặc thù của từng giống, từng địa phương. Thời điểm này, huyện tăng cường khuyến cáo nông dân cấy mạ đúng tuổi, bảo đảm số dảnh và mật độ theo quy trình thâm canh của từng giống. Mở rộng diện tích cấy bằng máy để giảm chi phí và công lao động, giảm áp lực lao động ở đầu vụ. 

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 75.400ha lúa. Hiện nay đang là giai đoạn cao điểm của vụ mùa nên các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân lực, phương tiện xuống đồng gieo cấy. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, sản xuất vụ mùa năm nay được các địa phương trong tỉnh triển khai tốt ở tất cả các khâu từ xây dựng kế hoạch, chuẩn bị ruộng, lấy nước, làm đất đến khâu giống, gieo mạ... Đến ngày 8/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 40.000ha lúa, đạt trên 50% kế hoạch. Trong đó, các huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Đông Hưng đã gieo cấy được trên 70% diện tích. Đây đều là những địa phương có diện tích lúa mùa trà sớm lớn. Diện tích cấy bằng máy được mở rộng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 máy cấy các loại, tương đương trên 32.000ha diện tích lúa được cấy bằng máy, đạt trên 40%. 

Kỹ sư Phạm Thị Hiên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Vụ lúa mùa vốn chịu tác động nhiều của điều kiện tự nhiên, trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa gạo. Trong điều kiện mưa bão, lũ lụt, hạn hán, sự xâm nhập mặn, bốc chua phèn bất thường, kết hợp với những diễn biến phức tạp của tình hình sâu bệnh hại đòi hỏi chúng ta phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau như: giống, thời vụ, làm đất, chăm sóc, thu hoạch... mới có thể bảo đảm cho một vụ mùa thắng lợi. Về kỹ thuật cấy, cấy mạ non, cấy nông tay; tùy từng chân đất, giống lúa, khả năng thâm canh để điều chỉnh mật độ cấy cho phù hợp, trung bình khoảng 25 - 30 khóm/m2, cấy 2 - 3 dảnh/khóm (lúa thuần). Thực hiện bón phân cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, bón theo nhu cầu của cây trồng. Khuyến khích sử dụng các loại phân nén, phân dúi bón một lần vào thời điểm làm đất để tiết kiệm lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Bà con nên lựa chọn các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân bón tổng hợp có hàm lượng NPK cao nhằm cải tạo đất, bảo đảm năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, tăng cường phân kali cho lúa mùa tăng khả năng chống đổ và hạn chế sâu bệnh. Để tăng hiệu lực phân bón thúc, cần bón lúc trời mát, bón xong kết hợp dặm tỉa để dùa đục nước giúp hạn chế mất phân. Chủ động điều tiết nước theo công thức “nông - lộ - phơi” để tăng hiệu lực khi sử dụng phân bón, phòng, trừ sâu bệnh, giúp cho cây lúa khỏe, cứng cây, từ đó hạn chế sâu bệnh, tăng khả năng chống đổ, tăng năng suất.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương kết thúc gieo cấy trước ngày 20/7.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày