Chủ nhật, 24/11/2024, 17:29[GMT+7]

Liên kết để sản xuất nông nghiệp bền vững

Thứ 2, 15/07/2024 | 08:41:19
1,261 lượt xem
Trái ngược với các hộ trồng ớt vụ xuân hè phấn khởi vì ớt được mùa, được giá, các hộ trồng bí xanh xã Hồng Bạch (Đông Hưng) lại buồn khi giá bí giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó đặt ra bài toán về quy hoạch vùng, về liên kết bao tiêu nông sản cho nông dân để sản xuất nông nghiệp bền vững.

Cây ớt trên vùng chuyên màu của xã Hồng Bạch.

Vụ xuân hè năm nay là vụ đầu tiên gia đình ông Nguyễn Văn Phú, thôn Hậu Thượng trồng gần 3 sào ớt trên vùng chuyên màu. Sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, ớt cho thu hoạch lứa đầu. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Phú thu được gần 6 tạ ớt. Thu hoạch đến đâu HTX DVNN xã liên kết với công ty thu mua đến đó với giá cao, ổn định. 

Ông Phú cho biết: Ớt quả loại 1 công ty thu mua với giá 19.000 đồng/kg, số còn lại tôi mang ra chợ bán với giá 6.000 đồng/kg. 3 sào ớt, tôi đã bán được trên 10 triệu đồng, còn thu tiếp tới hết tháng 7. Trồng ớt thu nhập cao hơn trồng lúa và một số cây màu khác. 

Ông Nguyễn Văn Phú, xã Bạch Đằng thu hoạch ớt xuân hè. 

Xã Hồng Bạch có vùng chuyên màu diện tích trên 40ha. Để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, vụ xuân hè 2024, HTX DVNN xã đã liên kết với công ty tại Hà Nội đưa cây ớt vào trồng thử nghiệm với diện tích 4 mẫu. Các hộ trồng bằng giống chất lượng do công ty cung cấp, trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn của công ty, vì vậy ớt phát triển nhanh, sai quả, quả đều đẹp nhiều. Thời điểm này, nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung thu hoạch ớt đợt 2. 

Bà Nguyễn Thị Sâm, thôn Hậu Thượng chia sẻ: Mô hình liên kết này tôi thấy rất bài bản, công ty giữ chữ tín với bà con. Dù thị trường giá chỉ 12.000 - 14.000 đồng/ kg ớt chín nhưng công ty vẫn thu mua với giá 19.000 đồng/kg, đúng hợp đồng đã ký kết từ đầu vụ. Chúng tôi rất phấn khởi, mong HTX DVNN xã tiếp tục liên kết với công ty triển khai mô hình ở các vụ tiếp theo để chúng tôi tham gia, mở rộng diện tích. 

Cây bí xanh xuân hè đã có mặt trên đồng đất Hồng Bạch hàng chục năm nay, diện tích trồng bí được bà con mở rộng lên tới 20ha. Hiện bí cũng đang vào vụ thu hoạch. Nông dân nơi đây có nhiều kinh nghiệm trồng bí xanh trên giàn cùng với thời tiết thuận lợi cây bí sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả, quả to, thẳng đẹp nhưng do không có liên kết, bao tiêu sản phẩm, người trồng tự lo đầu ra dẫn đến thị trường tiêu thụ không ổn định, thường bị tư thương ép giá. Giá bí xanh vụ này giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái mà vẫn không có nhiều thương lái về thu mua. 

Nhìn ruộng bí nhà mình sai trĩu quả nhưng hàng ngày cứ ngóng trông người đến thu mua, bí cứ để già trên giàn, ông Đỗ Minh Đức, thôn Hậu Thượng chia sẻ: Nhà tôi trồng bí xanh vụ xuân hè đã nhiều năm. Năm nay nhà tôi trồng 7 sào bí xanh giống Nova 209. Bí năm nay được mùa nhưng giá bán giảm quá sâu, chỉ được 3.000 - 4.000 đồng/kg, năm ngoái đầu mùa bán 10.000 - 12.000 đồng/kg, chính vụ giảm còn 6.000 - 7.000 đồng/ kg. Nhiều năm rồi giá bí mới giảm sâu như vậy, tính ra bình quân chỉ được 3 - 4 triệu đồng/tấn mà chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, làm giàn đã mất khoảng 4 - 5 triệu đồng/sào. Với giá bán này thì người trồng lỗ vốn. 

Ông Đỗ Minh Đức, xã Bạch Đằng buồn vì bí xanh được mùa, mất giá. 

Trồng màu nhưng không có liên kết chặt chẽ để bảo đảm đầu ra tốt thì nông dân luôn phải đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”; vất vả trồng, chăm sóc mà thu nhập thấp, thậm chí không có thu nhập họ sẽ không mặn mà với cây truyền thống trên vùng chuyên màu nữa. 

Cũng là người trồng bí xanh xuân hè lâu năm với diện tích lớn, ông Nguyễn Văn Đệ, thôn Hậu Thượng cho biết: Nhà tôi trồng khoảng 9 sào bí xanh. Năng suất bí năm nay bằng năm ngoái, khoảng 2 - 2,5 tấn/ sào song giá bí thấp, dưới 4.000 đồng/kg, trồng vất vả mà không có lãi. 

Chia sẻ khó khăn với bà con xã viên, thời gian qua, HTX DVNN xã Hồng Bạch đã tranh thủ sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, dựa trên các mối quan hệ để tìm, liên kết với các cá nhân, doanh nghiệp có uy tín liên kết đưa giống cây mới như ớt, cây dược liệu... về cho bà con trồng, đồng thời duy trì các cây trồng chủ lực như bí xanh nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Ông Đỗ Duy Dũng, Giám đốc HTX DVNN Bạch Đằng, xã Hồng Bạch cho biết: Là xã có diện tích trồng màu lớn, vụ đông bà con trồng khoảng 190ha với nhiều cây rau màu có năng suất, chất lượng cao. HTX đang tính đến bài toán quy vùng lại, tập trung sản xuất cây màu có giá trị kinh tế, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, giúp nông dân yên tâm canh tác trên thửa ruộng của mình. 

Hiếu Nghĩa 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày