Thứ 6, 27/12/2024, 17:04[GMT+7]

Phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa mưa bão

Thứ 6, 26/07/2024 | 09:00:02
1,489 lượt xem
Thời tiết mưa bão ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, vì vậy người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chú trọng chăm sóc gia súc, gia cầm để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh.

Các hộ chăn nuôi huyện Quỳnh Phụ triển khai các biện pháp bảo vệ đàn gia cầm mùa mưa bão.

Gia đình anh Bùi Văn Đoàn, xã Văn Lang (Hưng Hà) có gia trại quy mô 1.000m2, nuôi 2.000 con ngan thịt, 1.000 gà thương phẩm. Sau cơn bão số 2, thời tiết mưa đã làm một phần chuồng nuôi bị dột. Để tránh ảnh hưởng đến vật nuôi, anh Đoàn đã chủ động sửa chữa, gia cố lại chuồng trại. 

Anh Bùi Văn Đoàn chia sẻ: Sau bão thời tiết thường mưa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển, do vậy gia đình đã mua vôi bột về rải trong chuồng nuôi, mua thuốc về phun tiêu độc khử trùng. Ngoài ra, trong khẩu phần ăn hàng ngày tôi bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm.

Còn đối với trang trại nuôi lợn của ông Trịnh Công Báu, xã An Vinh (Quỳnh Phụ), trong mùa mưa bão để bảo đảm chuồng trại vững chắc, ông Báu đã tu sửa và chằng chống lại chuồng trại. Mái chuồng đã gia cố nhằm hạn chế tốc mái khi có bão. Kiểm tra rèm che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi. Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa to.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đàn trâu bò đạt 59,5 nghìn con; đàn lợn đạt 712 nghìn con; đàn gia cầm đạt 14,3 triệu con. Sau mưa bão, sức đề kháng của vật nuôi giảm, đó là nguyên nhân dễ phát sinh dịch bệnh, vì vậy Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tiêm phòng, đồng thời tập trung hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống cho các hộ chăn nuôi. Cùng với đó, cử cán bộ thú y tại các địa phương theo dõi khi có dấu hiệu xuất hiện dịch bệnh xử lý kịp thời.

Tích cực khuyến cáo các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão như: Bảo đảm mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi. Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa to. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.

Các trang trại quy mô lớn tích cực kiểm tra hệ thống chuồng nuôi khi thời tiết diễn biến phức tạp sau bão.

Cần lưu ý cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Dự trữ một số hóa chất khử trùng nước để bảo đảm đủ nước sạch cho vật nuôi uống và cơ số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ lực, men tiêu hóa dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi. Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh. Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi trước mùa mưa bão. Đối với trâu, bò, cần tiêm phòng  bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng, tai xanh… Đối với đàn gia cầm, cần tiêm vắc-xin phòng bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro, cúm gia cầm. Vịt, ngan cần tiêm phòng dịch tả vịt, viêm gan do vi rút, cúm gia cầm, tụ huyết trùng…

Những ngày mưa bão thường bị mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, bếp trấu, củi… để giữ ấm cho vật nuôi. Tăng cường duy trì công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và kiểm soát giết mổ tại các các sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Công tác kiểm dịch vận chuyển bảo đảm đúng quy trình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày