Chủ nhật, 30/06/2024, 21:31[GMT+7]

Sản xuất giống vật nuôi Cần nâng cao về chất và lượng

Thứ 5, 12/09/2013 | 09:29:11
1,897 lượt xem
Trong những năm gần đây, chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh phát triển tương đối tốt, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, năm 2012 đạt 41,32% và 6 tháng đầu năm 2013 tỷ trọng đạt 39%. Để lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững, giống được xác định là tiền đề gắn với công nghệ hiện đại sẽ đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao.

Đóng gói tinh dịch lợn tại Trung tâm giống lợn Đông Mỹ.

Tuy nhiên, sản xuất giống vật nuôi trong tỉnh chủ yếu là lợn, còn lại đàn trâu, bò và gia cầm chưa được các doanh nghiệp, hộ dân quan tâm đầu tư sản xuất để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thái Bình không chỉ có thế mạnh về sản xuất giống cây trồng mà còn cả đối với vật nuôi, nhất là giống lợn các loại. Hiện nay, toàn tỉnh có cơ cấu đàn lợn nái khoảng 200.000 - 220.000 con, trong đó đàn lợn nái Móng Cái chiếm khoảng 85%, đàn nái ngoại chiếm 8-10%, nái lai F1 khoảng 7-10%. Hàng năm, toàn tỉnh sản xuất được từ 3,8 triệu đến 4 triệu con lợn sữa nuôi thịt và xuất khẩu. Đi đầu trong sản xuất giống vật nuôi là Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình, hàng năm đã sản xuất, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng nghìn lợn nái ngoại và 400.000 - 500.000 liều tinh dịch lợn chất lượng cao, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế gia trại, trang trại trong tỉnh.

Ngoài ra, Công ty còn cung cấp hàng nghìn con lợn nái hậu bị Móng Cái thuần chủng và lợn nái hậu bị F1 cho các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Quảng Ninh… Ông Trần Ngọc Miên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình cho biết: Từ tháng 1/2007 đến nay, Công ty luôn duy trì đàn lợn nái ngoại giống gốc “ông bà” là 158 con; hàng năm đã sản xuất và cung ứng cho các hộ chăn nuôi lợn nái ngoại “bố mẹ” trong tỉnh từ 1.000 - 1.100 con. Lợn nái ngoại giống gốc “ông bà” được Công ty nhập từ các cơ sở có uy tín, như Viện Chăn nuôi, Công ty Hybride giống Pic, Yorkshire… nên thế hệ đời sau (nái bố mẹ) cũng cho kết quả khá tốt.

Theo kết quả điều tra của ngành Nông nghiệp cho thấy, trang trại hộ ông Nguyễn Văn Tùy nuôi 60 lợn nái, ông Nguyễn Văn Vinh nuôi 40 lợn nái, hộ ông Phạm Quang Tải nuôi 150 lợn nái ở xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ); trang trại ông Nguyễn Văn Kiện ở xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) nuôi 50 lợn nái… sau sinh cho tỷ lệ lợn thải thấp, khoảng 5%; các chỉ tiêu sinh sản như động dục, số con sơ sinh, tỷ lệ nuôi sống cao từ 10 - 12 con/lứa.

Ngoài Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình sản xuất giống vật nuôi, hiện toàn tỉnh có khoảng 150 trang trại nuôi lợn nái sinh sản từ 20 con trở lên. Các trang trại này phát triển theo hai hình thức, gồm chăn nuôi gia công liên kết cho các công ty CP, JAFPA và chăn nuôi tự đầu tư. Tại các trang trại nuôi gia công, giống lợn bố mẹ được chọn lọc từ các trang trại giống gốc “ông bà”; các chỉ tiêu sinh trưởng, sinh sản đều được quản lý theo dõi ghi chép đầy đủ; các trang trại ký hợp đồng từ 3-5 năm, với nhiệm vụ sản xuất lợn con để nuôi thịt và cung cấp lại cho các trang trại nuôi lợn thịt của các công ty đã ký kết.

Tại các trang trại tự đầu tư có tổng đàn lợn nái trên 7.000 con, một số trang trại có quy mô lớn như của hộ ông Hoàng Liễn, xã Song An (Vũ Thư), ông Đặng Thế Huyễn, xã Vũ Lăng (Tiền Hải)… Ông Phạm Xuân Chưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Bên cạnh việc sản xuất giống lợn, hiện nay giống gia cầm và giống trâu bò chưa được các doanh nghiệp, trang trại quan tâm đầu tư, chủ yếu nhập giống từ tỉnh ngoài và cả giống nhập lậu để nuôi. Tổng đàn gia cầm trong toàn tỉnh có khoảng 10 triệu con, nhưng lại không có trang trại nào sản xuất giống gốc “ông bà” để sản xuất giống gà bố mẹ.

Thực tế cho thấy, thị trường giống gà hướng thịt lông màu của các trang trại chủ yếu là giống J-Dabaco của Công ty Gà giống Dabaco (Bắc Ninh), gà J-Hải Phòng của Công ty Giống gia cầm Lương Huệ… Ngoài ra, tại các cơ sở ấp trứng sản xuất gà, vịt trong tỉnh chủ yếu làm theo thời vụ và năng lực sản xuất chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu chăn nuôi của các gia trại, trang trại. Đối với giống trâu bò, do các địa phương không có nhiều đồng cỏ nên đàn trâu ít, đàn bò chủ yếu là bò thịt chăn nuôi tận dụng, do đó việc sản xuất giống cũng gặp nhiều hạn chế.

Tuy đàn bò đã được thụ tinh nhân tạo bằng giống ZEBU trong nhiều năm qua, song tỷ lệ bò được phối giống nhân tạo còn thấp (hơn 1 nghìn liều). Ông Chưởng cho biết thêm, sản xuất giống tốt sẽ quyết định phần lớn đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi, song tỉnh nhà chưa có cơ quan đảm nhận nhiệm vụ tiếp thu các tiến bộ về giống gia súc, gia cầm; các trang trại, hộ chăn nuôi tự đầu tư kinh phí, tổ chức sản xuất, nhập con giống… còn yếu nên rủi ro cao, chăn nuôi thiếu bền vững. Ngay cả đối với giống lợn, tuy đã sản xuất được khá nhiều nhưng chất lượng con giống chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa, sản phẩm lợn thịt sản xuất chủ yếu là lợn F1 nên tỷ lệ nạc thấp, khó cạnh tranh trên thị trường.

Trước thực trạng sản xuất giống vật nuôi trong tỉnh hiện nay, ngành Nông nghiệp đã xây dựng các nhóm giải pháp kỹ thuật sản xuất giống đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh cả về chất lượng và số lượng. Trước hết, lấy Trung tâm Giống lợn Đông Mỹ - Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình làm nòng cốt để ổn định hệ thống cung cấp tinh dịch lợn và đàn lợn đực giống ngoại thuần. Đối với đàn lợn nái ngoại, hiện nay chất lượng chưa cao, chủ yếu là nái lai, do đó các trang trại cần tập trung chọn lọc, phân cấp đàn nái hiện có và nhập con giống thay thế.

Đặc biệt đàn lợn nái Móng Cái sinh sản lợn thịt F1 chiếm tỷ lệ rất lớn (80-85%) hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường về chất lượng, do đó phải cải tạo đàn nái theo hướng nâng cao chất lượng thịt…Đối với  chăn nuôi gia cầm, chuyển mạnh sang giống gà Ri x Sacso cho phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay; gà thịt công nghiệp ở các trang trại quy mô lớn, trang trại gia công cần lựa chọn đơn vị cung cấp giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh…

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày