Thứ 5, 31/10/2024, 21:20[GMT+7]

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp tại huyện Đông Hưng, Vũ Thư

Thứ 2, 29/07/2024 | 15:23:49
23,252 lượt xem
Sáng ngày 29/7, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra công trình đê điều, công tác phòng, chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp tại huyện Đông Hưng, Vũ Thư.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra vị trí đê thuộc địa phận xã Hồng Bạch.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn đã đến kiểm tra vị trí đê đang theo dõi thẩm lậu thuộc địa phận xã Hồng Bạch (Đông Hưng). Theo báo cáo của UBND huyện Đông Hưng, sáng ngày 24/7, tại vị trí K6+750 đê tả Trà Lý thuộc địa phận xã Hồng Bạch có hiện tượng thẩm lậu và sạt lở nhẹ ở chân đê phía đồng, gây mất an toàn công trình đê điều. UBND huyện đã kịp thời thông báo cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đồng thời khẩn trương huy động nhân lực, vật tư, phương tiện xử lý sự cố giờ đầu theo quy định; tổ chức tuần tra, canh gác, theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, cắm biển cảnh báo khu vực xảy ra thẩm lậu và sạt lở nhẹ chân đê phía đồng theo quy định. Đến chiều ngày 25/7, hiện tượng thẩm lậu và gia cố đắp tầng phản áp phía đồng tại K6+750 đê tả Trà Lý đã được xử lý theo đúng quy định. 

Tại buổi kiểm tra, UBND huyện Đông Hưng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét, quyết định đầu tư dự án xử lý cấp bách đê tả Trà Lý đoạn từ K6+600 đến K7+600 xã Hồng Bạch. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, dự báo mùa mưa bão còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt xả lũ các hồ thủy điện, yêu cầu huyện Đông Hưng tập trung tăng cường công tác tuần tra, canh gác, kiểm tra, rà soát các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các điểm xung yếu tại các cống dưới đê để phát hiện các sự cố, có ứng phó giờ đầu và báo cáo UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động sẵn sàng ứng cứu tại các điểm xung yếu; kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn triệt để các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng phó với sự cố mùa mưa bão, bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai.

Huyện Đông Hưng huy động nhân lực, vật tư, phương tiện xử lý sự cố giờ đầu theo quy định. 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 15 - 22/7 đã làm ngập úng một số diện tích lúa mùa, cây màu. Toàn tỉnh có khoảng hơn 1.000ha lúa bị ảnh hưởng phải gieo cấy lại, trong đó, huyện Vũ Thư có khoảng 350ha lúa tại vùng trũng phải gieo cấy lại, kéo dài thời vụ gieo cấy so với kế hoạch; 1.970 ha cây màu bị ảnh hưởng. Huyện Vũ Thư đã chỉ đạo các HTXNN phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện khoanh vùng, khép kín vùng bị ngập úng, chủ động tiêu nước trên hệ thống kênh và mặt ruộng. Tổ chức kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng mạ dự phòng, tỉa diện tích lúa cấy, lúa gieo thẳng dầy cấy vào diện tích bị chết do ngập úng; sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày, gieo mạ nền cứng khi nước rút tiến hành gieo cấy không được để ruộng hoang.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác khắc phục ảnh hưởng của ngập úng với lúa mùa tại xã Tân Phong. 

Kiểm tra tại cánh đồng xã Tân Phong, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Vũ Thư cũng như các địa phương có diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi ngập úng chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp thực hiện tốt kế hoạch sản xuất năm 2024; công tác thủy lợi nội đồng được quan tâm thường xuyên, liên tục, nhất là việc khơi thông dòng chảy trong mùa mưa, bão. Chủ động các phương án ứng phó với tình hình thời tiết và diễn biến dịch hại trong vụ mùa, huy động sự tham gia chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo sản xuất. Chủ động các giải pháp về nhân lực và phương tiện để khắc phục tình trạng bất thuận của thời tiết ảnh hưởng tới sản xuất trồng trọt, bảo đảm không để úng, hạn xảy ra. Ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương các biện pháp ngâm ủ giống và gieo mạ trên nền đất cứng để gieo cấy lại diện tích lúa bị chết do ngập úng trước ngày 5/8; phân công cán bộ bám sát cơ sở, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa, rau màu khắc phục hậu quả sau mưa úng. Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu, bệnh hại gây ra.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày