Thứ 2, 05/08/2024, 11:18[GMT+7]

Lão nông đam mê trồng nấm

Thứ 2, 05/08/2024 | 00:05:08
361 lượt xem
Trong hành trình trên 20 năm làm bạn với cây nấm, lão nông Vũ Thanh Hải, xã Phú Châu (Đông Hưng) không chỉ thành công với việc trồng nhiều loại nấm khác khau, làm giàu cho gia đình mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương. Nhiều năm liền ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện.

Nấm sò chiếm chủ yếu trong trang trại của ông Vũ Thanh Hải.

Trước khi đến với nghề trồng nấm, ông Hải từng làm Trạm trưởng Trạm Giống cây trồng huyện Đông Hưng, ông thường lên Viện Di truyền nông nghiệp để chọn mua thóc giống về cung cấp cho bà con sản xuất, vì thế ông được tận mắt thấy quy trình trồng nấm ở đó, tìm hiểu và thấy hợp với khí hậu của Thái Bình. Khi Trạm Giống cây trồng huyện giải thể, ông tìm hiểu sâu hơn thì thấy nấm có giá trị dinh dưỡng cao, góp phần nâng cao sức khỏe cho người sử dụng, dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon. Nguyên liệu để sản xuất nấm tận dụng ngay tại địa phương như rơm rạ, bã mía, mùn cưa, bông phế liệu… bảo đảm sản xuất ra nấm sạch, giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường. Vì thế, ông Hải đã đầu tư làm nhà trồng nấm kiên cố, thoáng mát, bảo đảm các tiêu chuẩn về kỹ thuật. 

Ông Hải chia sẻ: Trên diện tích 1.000m2 , bình quân tôi treo trên 2,5 vạn bịch nấm sò, nấm linh chi và mộc nhĩ, có thời điểm thị trường nấm tốt tôi treo tới gần 5 vạn bịch. Quy trình sản xuất nấm và mộc nhĩ có rất nhiều khâu, khâu nào cũng quan trọng, bắt đầu từ tuyển chọn kỹ càng nguyên liệu, xử lý nguyên liệu sạch sẽ; đóng bịch, hấp khử trùng bịch nấm; vệ sinh môi trường nhà trồng nấm, giữ độ ẩm của bịch nấm phù hợp với từng loại nấm; chăm sóc tùy theo thời tiết… Với nguyên liệu thì cứ vào mùa thu hoạch lúa, tôi thuê người đi thu mua rơm rạ, đầu tư máy xay, đóng bịch và tự cấy giống. Phôi giống tôi mua từ Viện Di truyền nông nghiệp bảo đảm chất lượng. Nấm là loại cây rất nhạy cảm với yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… nên tôi luôn chú trọng theo dõi khắc chế các yếu tố bất lợi để nấm sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao. Tôi đã đầu tư hệ thống giàn phun sương điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh vừa giảm nhân công, bảo đảm độ ẩm, tiết kiệm nước, đặc biệt là ở xa cũng có thể kiểm tra độ ẩm và kích hoạt hệ thống tưới nước cho nấm. 

Mỗi năm bình quân ông Hải thu hoạch 15 - 20 tấn nấm các loại, trong đó nấm sò chủ yếu bán tươi, nấm linh chi và mộc nhĩ ông phơi, sấy bán khô, năng suất nhất là lứa thu từ tháng 2 - 9 hàng năm. Nấm thành phẩm của cơ sở sản xuất ra luôn bảo đảm yếu tố ngon, sạch, an toàn, vì vậy không phải lo đầu ra. Thị trường tiêu thụ nấm thành phẩm của ông Hải trong tỉnh và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên; các chợ đầu mối khách đến tận nhà lấy, cũng có khách lâu năm gọi điện đặt hàng, ông đóng và chuyển ô tô đi. 

Nấm sò sau thu hoạch được đóng cẩn thận giao cho khách hàng.

Mỗi năm ông thu lãi 500 triệu đồng từ nấm, tạo việc làm cho 11 lao động với thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Đặng Tất Đức, xã Phú Châu cho biết: Tôi làm ở đây đã nhiều năm, công việc nhẹ nhàng, hợp sức khỏe là đóng túi, chăm sóc và thu hái nấm. Ngoài lương cơ bản, tôi còn có tiền làm thêm giờ, tiền thưởng khi hoàn thành tốt công việc được giao. Có công việc này, tôi đỡ phải đi làm xa nhà, thu nhập cũng ổn định. Không chỉ trồng nấm thành phẩm, mỗi năm ông Hải còn làm và bán hàng vạn bịch nấm phôi cho các gia đình mua về treo, đồng thời hướng dẫn họ cách chăm sóc, thu hoạch. 

Xã Phú Châu đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao cuối năm 2024. Xã đã chọn sản phẩm nấm của ông Hải để xây dựng sản phẩm OCOP. 

Ông Hải cho biết: Được xã chọn xây dựng sản phẩm OCOP tôi rất mừng. Tôi sẽ cố gắng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trồng, cho ra sản phẩm nấm chất lượng để sớm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao.

Thu Hiền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày