Thứ 7, 23/11/2024, 08:04[GMT+7]

Khoa học công nghệ - động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Thứ 3, 06/08/2024 | 09:06:28
1,363 lượt xem
Khoa học công nghệ (KHCN) có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế

Cơ giới hóa các khâu sản xuất lúa ngày càng được mở rộng, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nấm đã và đang trở thành sản phẩm nông sản giá trị, được ưa chuộng sử dụng nhiều trong bếp ăn nhà hàng và bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Đặc tính sinh trưởng của nấm phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm môi trường. Nếu chỉ nuôi trồng nấm vào thời điểm môi trường thích hợp thì thời gian nuôi trồng nấm ngắn, năng suất lại không cao bởi môi trường thay đổi liên tục. Từ năm 2020 đến năm 2023 để phát triển nghề trồng nấm của tỉnh, tận dụng nguồn nguyên liệu là rơm, rạ sẵn có của địa phương, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã xây dựng “Mô hình sản xuất nấm ứng dụng hệ thống tưới nước thông minh tại Thái Bình”, thực hiện tại 10 xã thuộc các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy, Quỳnh Phụ. 

Tham gia mô hình sản xuất nấm ứng dụng hệ thống tưới nước thông minh do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai, anh Nguyễn Văn Đảng, thôn Lương Điền, xã Đông Cơ (Tiền Hải) nhận thấy năng suất và hiệu quả kinh tế từ nghề trồng nấm tăng lên rõ rệt. Anh cho biết: Hệ thống tưới nước thông minh được tích hợp bộ điều khiển tự động bao gồm hệ thống tưới phun sương trong nhà sản xuất nấm, hệ thống tưới phun mưa làm mát mái. Các hệ thống được kết nối với bộ điều khiển cảm ứng trên điện thoại thông minh, có thể cài đặt thời gian tưới, lượng nước tưới tự động, bảo đảm được ẩm độ không khí thích hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển. Từ khi áp dụng công nghệ, khu nhà sản xuất nấm được kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và công nghệ tưới thông minh tự động từ xa. Với phần mềm điện thoại, người trồng có thể điều khiển hệ thống tưới nước qua điện thoại thông minh hoặc cài đặt chế độ tưới tự động khi nhiệt độ, độ ẩm không phù hợp. Do đó, vừa khắc phục được nhược điểm khó kiểm soát môi trường trong nhà nấm, vừa giải quyết được vấn đề nhân công, không những thế anh còn có thể sản xuất được nấm trái vụ. Mỗi tháng, gia đình tôi bán ra từ 2 - 2,5 tấn nấm với đa dạng chủng loại: nấm sò tươi, nấm sò khô, mộc nhĩ, nấm linh chi khô, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. 

Thời gian qua, trên những diện tích sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các khâu sản xuất được bà con tích cực triển khai. Điển hình, trong sản xuất lúa, hiện các khâu làm đất, thu hoạch được áp dụng cơ giới hóa gần 100%. Việc ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Với việc tiếp cận KHCN và hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. 

Việc ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. 

Trong chăn nuôi, việc ứng dụng KHCN qua đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại với trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, khép kín, tuyển chọn con giống chất lượng cao... đã được nhiều hộ chăn nuôi, trang trại, HTX lựa chọn, mang lại hiệu quả cao. Mô hình nuôi gà, lợn thương phẩm của gia đình anh Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) được cải tạo từ 10.000m2 đất cấy lúa kém hiệu quả, sau đó gia đình anh đầu tư mở rộng quy mô, xây dựng trang trại chăn nuôi công nghiệp theo hướng khép kín, với hệ thống chuồng sàn, máng ăn uống, quạt gió, phun sương, sưởi ấm tự động với diện tích 5ha, 11 trại nuôi gà, 2 trại lợn khép kín, quy mô chăn nuôi khoảng 100.000 con gà thịt, 1.000 con lợn/lứa.

Trang trại nuôi gà khép kín với hệ thống máng ăn, máng uống tự động của anh Phạm Xuân Thuỷ. 

Anh Thủy cho biết: Việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại tuy thời gian đầu khá tốn kém nhưng mang lại lợi ích lâu dài như giảm sức lao động, tiết kiệm tiền thuê nhân công, môi trường sạch sẽ, phù hợp để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Cùng với máy móc, thiết bị, trang trại còn lựa chọn con giống đã được nghiên cứu, lai tạo tại các cơ sở, trung tâm cung ứng giống vật nuôi uy tín, được tiêm phòng đầy đủ. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình chú trọng về dinh dưỡng, sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh xử lý chất thải giữ môi trường sạch sẽ. Nhờ vậy hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, đàn vật nuôi khỏe mạnh, có năng suất, chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm bán được giá, đầu ra ổn định. 

Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thực hiện định hướng của tỉnh trong phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo, những năm gần đây, ngành KHCN đã tập trung thực hiện 4 giải pháp trọng tâm: triển khai nhiều nhiệm vụ KHCN phát triển nông nghiệp; tăng cường sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực; chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực lĩnh vực nông nghiệp; quan tâm tư vấn, hướng dẫn các thủ tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và mã số vùng trồng, đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, đã có 46 nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai thực hiện dưới dạng đề tài cấp tỉnh và dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” đầu tư cho các sản phẩm chủ lực; 1.086 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 484 giấy chứng nhận nhãn hiệu. Đáng chú ý, gần đây, tỉnh đã cho phép sử dụng 6 nhãn hiệu địa danh “Thái Thụy”; “Làng Keo”; “Làng Giắng”; “Chợ Gốc”; “Hưng Hà”; “Hồng Tiến” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Qua đó giúp hàng hóa có thương hiệu nâng cao giá trị và được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. 

Có thể khẳng định, KHCN trong những năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng, là động lực chính thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh một cách toàn diện, từ khâu sản xuất cho tới tiêu thụ và phát triển sản phẩm. Các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã không còn xa lạ với người dân trong tỉnh. Từ những vườn trồng rau không đất (rau thủy canh), trang trại tự động, sàn thương mại điện tử; sản xuất theo chuỗi liên kết... là những thành công bước đầu của người nông dân khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. 

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến khích các hộ dân, HTX, doanh nghiệp chuyển đổi phương thức, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất theo hướng hiện đại, an toàn, hữu cơ, theo chuỗi giá trị; tiếp tục chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn... góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. 


Ngân Huyền 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày