Trà Giang: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Ông Trần Văn Kiên, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Những năm trước đây, người dân trong xã bỏ ruộng hoang nhiều do chuột phá hoại, lúa cỏ phát triển, giá bán thóc thấp. Chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của vùng nước lợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Xã đã quy hoạch 36ha để phát triển mô hình lúa rươi, trong đó có sẵn 16,5ha đã có nguồn lợi thủy sản như con rươi, con cáy với sản lượng bình quân thu về hàng năm 6 tấn rươi, hơn 9 tấn cáy.
Vì thế, từ một xã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp đến nay đã có nhiều khởi sắc. Ngoài diện tích gieo cấy lúa tăng, diện tích lúa cỏ và bỏ hoang giảm mạnh, tại các vùng sản xuất ngoài đê bối, đê bao đã xuất hiện nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác con đặc sản tự nhiên cho thu nhập cao.
Ông Vũ Văn Đô, thôn Năng Nhượng chia sẻ: Từ năm 2000 tôi đã tận dụng tất cả các ao của người thân với diện tích 4 mẫu nuôi từ 6.000 - 7.000 con ba ba. Bình quân một năm tôi bán khoảng 3 tấn ba ba thu lãi hơn 300 triệu đồng. Cuối năm 2022, tôi đấu lại hơn 10ha, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống thủy lợi, cải tạo đất, dự kiến sau 1 - 2 năm nữa sẽ có các nguồn lợi thủy sản tự nhiên như con rươi, con cáy, con rạm trở lại trong ruộng, mang lại nguồn thu khá.
Mô hình nuôi ba ba của ông Vũ Văn Đô.
Hiểu rõ lợi thế tự nhiên của vùng đất này, ông Đặng Văn Lĩnh, thôn Diệm Nam đã thuê mượn 10 mẫu ruộng của người dân để sản xuất. Trước đây chủ yếu trồng chuối, nuôi cá, thả gà nhưng từ năm 2014 ông chuyển sang trồng hòe, mít thái và chú trọng vào con cáy, con rươi. Kể từ đó, cứ từ tháng 3 tới tháng 8 âm lịch ông thu về khoảng 3 tấn cáy, vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm thu hoạch từ 8 tạ đến 1 tấn rươi; kết hợp với thu hoạch hòe và mít, bình quân mỗi năm ông thu về trên 500 triệu đồng.
Ông Vũ Đức Tởi, thôn Thuyền Định phấn khởi cho biết: Từ năm 2009, tôi thuê vùng đất hoang ở xã để làm kinh tế. Thời gian đầu chỉ tập trung nuôi cá truyền thống, thu nhập không cao, tới năm 2018 chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông, nuôi dê và trồng sắn dây. Bình quân mỗi năm tôi nuôi được 2 lứa cá rô, năng suất gấp từ 8 - 10 lần cá truyền thống, xuất bán 18 - 20 tấn, trừ chi phí thu về khoảng 500 triệu đồng.
Theo ông Trần Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Trà Giang: Là xã giáp sông Trà Lý nên có nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào như con rươi, con cáy, con rạm... Trước kia, những nguồn lợi này không được coi trọng, sản phẩm rẻ, người dân chuyển sang cấy lúa nên bị ảnh hưởng từ thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới số lượng rươi, cáy giảm. Tới khi nhu cầu thị trường và giá sản phẩm tăng, người dân quay trở lại cải tạo đất, tạo môi trường an toàn để các nguồn lợi thủy sản xuất hiện trở lại. Do đó đến nay đã có gần 20 hộ sử dụng vùng đất bãi và nội đồng để sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao theo hình thức trên trồng các loại cây như hòe, chuối, mít, dưới tạo môi trường sống cho cáy và rươi. Cũng nhờ việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên các hộ không phải đầu tư nhiều, chỉ cần cải tạo đất, lấy nước ra, vào để khai thác. Bình quân mỗi sào người dân thu được 25 - 30kg rươi, 60kg hoa hòe, mang lại thu nhập hơn 7 triệu đồng. Tuy nhiên, những sản phẩm ở địa phương mới chỉ bán thương phẩm, chưa chế biến tạo ra giá trị cao hơn, do đó thời gian tới xã sẽ lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu đặc trưng cho địa phương.
Những kết quả tích cực từ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đã góp phần đưa kinh tế Trà Giang 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,57% so với cùng kỳ năm 2023, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 57 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,98%. Thời gian tới, xã sẽ xây dựng sản phẩm OCOP và tiếp tục mở rộng vùng sản xuất lúa rươi để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Mô hình nuôi cá rô đầu vuông của ông Vũ Đức Tởi, thôn Thuyền Định, xã Trà Giang.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh