Đồng loạt các biện pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất
Gieo cấy trên một mẫu ruộng, ông Nguyễn Văn Giáp, xã Tân Tiến (Hưng Hà) tốn khá nhiều chi phí mua nilon quây ruộng nhằm hạn chế chuột cắn phá lúa. Thời điểm này, khi cây lúa trà sớm đang ôm đòng, chuẩn bị trỗ bông, thực hiện rút nước để lúa ăn sâu, tránh đổ ngã cuối vụ cũng là lúc chuột cắn phá nặng nề.
Ông Giáp cho biết: Tôi dùng nilon quây quanh ruộng và áp dụng các biện pháp thủ công để đánh, bắt, diệt chuột thường xuyên nên hạn chế tình trạng chuột cắn phá. Tuy vậy, cứ vài ngày tôi lại phải ra ruộng kiểm tra, nếu phát hiện chuột vào ruộng phải vơ lá lúa héo vàng do chuột cắn đồng thời kiểm tra lại nilon, đặt bẫy, bả.
Vụ mùa năm nay là vụ thứ 2 HTX DVNN xã Tân Tiến ký hợp đồng với công ty tổ chức diệt chuột tại cánh đồng thôn An Nhân với mức phí 100.000 đồng/ sào/năm.
Ông Trần Văn Chỉnh, Giám đốc HTX cho biết: Mỗi vụ, công ty tổ chức rải bả sinh học vào các thời điểm cố định. Trong quá trình cây lúa phát triển, nông dân kiểm tra đồng ruộng, phát hiện thấy chuột cắn phá thì thông báo cho HTX, HTX sẽ báo cho phía công ty tổ chức diệt chuột. Công ty cam kết về hiệu quả và cũng có đền bù cho người dân với những diện tích bị chuột cắn phá nên người dân tích cực tham gia. Từ mô hình điểm tại thôn An Nhân, thời gian tới chúng tôi sẽ tổng kết, nhân rộng ra toàn xã. Đối với diện tích chưa ký hợp đồng thuê công ty, HTX tổ chức các đợt rải bả sinh học đồng thời phát động chiến dịch đánh chuột thủ công đồng loạt trên các xứ đồng.
Tình trạng chuột cắn phá lúa diễn ra khá phổ biến ở một số cánh đồng lúa, cây màu tại các địa phương; đặc biệt là khu vực ven làng, ven đê, ven các trục đường, các khu, cụm công nghiệp. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện nay sự gia tăng mạnh mẽ của chuột chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đồng thời việc canh tác đa dạng và luân canh gối vụ liên tục cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sôi phát triển. Đặc biệt sự suy giảm của các loài thiên địch như rắn, mèo, chim cú mèo... cũng góp phần gia tăng tình trạng này. Công tác phòng, chống, diệt chuột chưa được tổ chức quy mô và toàn diện; nhiều địa phương ký hợp đồng diệt chuột với các công ty, tuy nhiên do đồng ruộng xen kẹt, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi. Đặc biệt, dù đã được ngành chức năng, chính quyền các địa phương khuyến cáo song ở một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân sử dụng điện để diệt chuột.
Triển khai các biện pháp diệt chuột, bảo vệ sản xuất, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch; chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của chuột; hướng dẫn người dân các biện pháp diệt chuột hiệu quả; cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm việc kinh doanh và sử dụng thuốc diệt chuột ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.
Nông dân huyện Kiến Xương sử dụng nilon quây quanh ruộng để hạn chế chuột cắn phá lúa.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chuột là một trong những loài sinh vật gây hại khó kiểm soát do tập tính sống và khả năng nhân đàn nhanh. Do vậy, để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, các địa phương diệt chuột sớm ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất; tập trung, thường xuyên, liên tục và mang tính cộng đồng. Đặc biệt xác định rõ các đợt cao điểm để phát động chiến dịch diệt chuột đồng loạt nhằm đạt hiệu quả cao. Ở vụ mùa, các địa phương phát động chiến dịch từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8 là thời điểm trước mùa sinh sản của chuột. Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương thực hiện tổng hợp các biện pháp diệt chuột, trong đó chú trọng biện pháp thủ công như đào, bắt, bẫy chuột và sử dụng thiên địch của chuột, sử dụng thuốc chuột sinh học; tuyệt đối không được dùng điện, sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép để diệt chuột.
Ngoài ra, thường xuyên cắt cỏ bờ, phát quang bụi rậm, hạn chế gò đống, thu dọn tàn dư cây trồng trước khi gieo trồng và sau khi thu hoạch... để hạn chế nơi cư trú của chuột; nên gieo trồng các loại cây gọn trong một thời vụ, thu hoạch kịp thời nhằm hạn chế kéo dài nguồn thức ăn, nơi cư trú của chuột.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh