Chủ nhật, 15/09/2024, 07:07[GMT+7]

Một số lưu ý trong quản lý, chăm sóc đối tượng thủy sản nuôi khi gặp thời tiết không thuận lợi

Thứ 4, 14/08/2024 | 21:38:05
622 lượt xem

1. Một số biện pháp quản lý thủy sản nuôi khi gặp nắng nóng kéo dài

1.1. Đối với hình thức nuôi cá trong ao, đầm, hồ

Duy trì mực nước ở mức dao động từ 1,5 - 1,8m.

Chủ động che phủ một phần diện tích nuôi (khoảng 15% diện tích) để làm chỗ trú ẩn, tránh nắng nóng cho cá (bèo tây, lưới che nắng...).

Sử dụng các thiết bị như máy quạt nước, máy sục khí, máy phun, máy bơm... đặc biệt là vào ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng để tăng hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là oxy tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao.

Nên sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao. Trong những ngày nắng nóng cần giảm lượng thức ăn từ 30 - 40% (điều này rất quan trọng, nhất là đối với một số loại thủy sản nuôi sử dụng thức ăn tươi sống như cá tạp, don...).

Bảo đảm mật độ nuôi hợp lý cho từng đối tượng và phương thức nuôi thủy sản mùa nắng nóng, nguồn nước cấp vào ao phải được xử lý, không bị ô nhiễm, tránh nguồn nước thải sinh hoạt. Định kỳ thay nước và thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường, bảo đảm các điều kiện môi trường nằm trong giới hạn thích hợp cho thủy sản nuôi.

Quản lý lớp bùn đáy và chất lượng nước bằng chế phẩm sinh học, tránh để hiện tượng tảo tàn, tảo độc phát triển trong ao, đầm. Khi tảo tàn sẽ bám vào mang dẫn tới mắc bệnh về hô hấp, một số chất độc do tảo tàn phân hủy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe động vật thủy sản nuôi.

Hạn chế đánh bắt, thả giống vào thời điểm nắng nóng trong ngày. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm khi có hiện tượng thiếu nước, hạn hán xảy ra.

1.2. Đối với hình thức nuôi cá lồng bè

Thường xuyên vệ sinh lồng bè, bảo đảm lồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ để nước trong và ngoài lồng được lưu thông. Kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc, di chuyển lồng về nơi râm mát. Trong trường hợp bất lợi, cần có biện pháp di chuyển lồng đến nơi thích hợp. Nếu không di chuyển được cần hạ thấp lồng xuống, bảo đảm độ sâu của lồng luôn ở mức 2,5 - 3m hoặc phủ lưới đen chiếm 1/2 - 1/3 diện tích mặt nước để tránh nắng cho cá. Nên dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh.

Lưu ý: Đối với những nơi có nguồn nước lưu thông lớn cần dùng những tấm sắt hàn thành mũi thuyền chắn phía trước khu lồng bè nuôi thủy sản để ngăn cản dòng chảy mạnh trực tiếp vào lồng nuôi, chắn được rác vào lồng cản trở lưu thông nước, gây thiếu oxy khu vực lồng nuôi tránh bị cây gỗ lớn va đập.

Chế độ chăm sóc, quản lý, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi lồng bè áp dụng các biện pháp như hình thức nuôi trong ao, đầm.

2. Biện pháp phòng, chống khắc phục giảm thiểu thiệt hại mùa mưa bão

Người nuôi trồng thủy sản chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết, đặc biệt khi có dự báo bão đổ bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần chủ động các biện pháp phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại cho thủy sản nuôi như sau:

2.1. Trước khi có mưa bão

- Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm;

- Nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao;

- Đối với thủy sản nuôi lồng, bè: Bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển). Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài;

- Chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu (lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, thuyền...) cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn khi có tình huống xấu xảy ra.

2.2. Biện pháp khắc phục sau mưa bão

- Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao;

- Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, bảo đảm các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp (nếu cần thiết);

- Bổ sung vitamin hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời;

- Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm);

- Nếu có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.

Lưu ý: Người nuôi cần chủ động theo dõi bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, cảnh báo môi trường vùng nuôi... để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Một số lưu ý trong quản lý, chăm sóc đối tượng thủy sản nuôi khi gặp thời tiết không thuận lợi 

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày