Thứ 2, 23/12/2024, 00:45[GMT+7]

Chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Thứ 4, 14/08/2024 | 21:42:08
2,749 lượt xem
Trong những năm qua, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh xây dựng và sử dụng bể biogas đã phát huy được hiệu quả. Đây được coi là giải pháp tiết kiệm cho người dân, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas tại một trang trại thuộc xã Thụy Duyên (Thái Thụy).

Việc chăn nuôi kết hợp sử dụng bể biogas tại các trang trại lớn ở các địa phương của huyện Tiền Hải không chỉ tạo ra chất đốt, phát điện, phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho hộ dân mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Trang trại chăn nuôi của bà Trần Thu Thủy, xã Nam Cường xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas vật liệu là bạt nhựa HPPE có thể tích 2.700m3. Công trình được xây dựng từ năm 2012 với kinh phí 170 triệu đồng. 

Bà Thủy chia sẻ: Mặc dù khoản đầu tư ban đầu khá lớn nhưng nếu tính tới hiệu quả lâu dài thì rất ổn. Vì trong quá trình chăn nuôi, nguồn phân từ đàn lợn thải ra rất nhiều, nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Sau khi xây bể biogas, lượng khí đốt tạo thành từ bể biogas nhà tôi sử dụng dư thừa. Ngoài đun nấu phục vụ sinh hoạt, gia đình còn sử dụng để úm lợn con và thắp sáng. Theo tính toán, mỗi tháng đã giảm chi phí cho trang trại 7 triệu đồng.

Trang trại của ông Hoàng Văn Lương, xã Thái Phúc (Thái Thụy) hàng năm nuôi từ 1.000 - 3.000 con lợn thịt. Mỗi ngày trang trại thải ra lượng chất thải trên 1 tấn. Khi mới xây dựng trang trại, để giải quyết lượng chất thải này, trang trại phải đào một ao lớn để chứa, tuy nhiên không thể giải quyết được mùi chất thải, đặc biệt trong những ngày oi nóng hoặc mưa to. Vì vậy, ông Lương đã thuê một đơn vị chuyên xây dựng bể biogas với 9 bể chứa có tổng thể tích 2.000m3 tại khu vực nuôi lợn để xử lý chất thải. 

Ông Lương cho biết: Trước đây, tôi cứ băn khoăn khi xây dựng bể biogas thì không có phân bón cho các loại cây trồng khác. Được tham gia các lớp tập huấn do huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức, tôi đã hiểu rõ về cách sử dụng và hiệu quả của bể biogas. Quá trình phân giải của chất thải từ chăn nuôi gia súc, dịch thải hay còn gọi là phụ phẩm từ bể biogas dùng làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt, thậm chí còn có thể sử dụng làm thức ăn bổ sung trong nuôi cá.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Xây dựng và sử dụng bể biogas trong chăn nuôi là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, giảm tình trạng dịch bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận kinh tế, phù hợp với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Đến nay, toàn tỉnh có trên 18.000 bể biogas, trong đó có gần 30 bể biogas thể tích trên 2.000m3 đến 17.000m3/ công trình. Các bể biogas áp dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi đã và đang đem lại giá trị đa lợi ích lớn về môi trường, năng lượng, nông nghiệp, sức khỏe và xã hội. Trong đó, hệ thống khí sinh học của bể biogas giúp giảm mùi hôi và cải thiện cảnh quan do chất thải được tập trung và nạp vào bể phân hủy, tạo môi trường xanh, sạch cho các hộ chăn nuôi. Khí biogas để đun nấu thay thế cho các năng lượng hóa thạch (củi, than đá) và gas, ngoài ra còn sử dụng để thắp sáng, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm. Chất thải của gia súc, gia cầm qua quá trình phân hủy yếm khí trong hầm biogas, hầu hết các chất hữu cơ trong phân được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng chứa nitơ, là những khoáng chất cây trồng dễ hấp thụ...

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày