Thứ 6, 27/12/2024, 19:10[GMT+7]

Chung tay tái tạo nguồn lợi thủy sản

Thứ 4, 28/08/2024 | 15:17:14
4,465 lượt xem
Những năm qua, Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thả hàng triệu con giống thủy sản các loại ra môi trường tự nhiên nhằm tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia thả giống thủy sản về vùng nước tự nhiên tại sông Trà Lý.

Tại cảng cá Cửa Lân (Tiền Hải), nhiều năm qua Chi cục Thủy sản đã tiến hành thả các loài tôm sú, cua, cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cùng với thả giống thủy sản, Chi cục kết hợp tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản đúng quy định, tránh sử dụng các phương tiện và hình thức khai thác mang tính tận diệt để bảo đảm tái tạo nguồn lợi thủy sản và sự đa dạng sinh học tại vùng nước tự nhiên. 

Ông Bùi Văn Tỵ, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) cho biết: Để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hàng năm chúng tôi đều tham gia thả thủy sản về vùng nước tự nhiên trên địa bàn huyện. Chúng tôi cũng ý thức trong việc chấp hành việc đánh bắt thủy sản có trách nhiệm như: đánh bắt đúng vùng, đúng tuyến; không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, ngư cụ cấm khai thác để đánh bắt thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững. 

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thường niên của huyện nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản. Cùng với việc thả tôm, cá, cua giống, các cơ quan chuyên môn còn tập trung tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản, chống khai thác IUU, chung tay cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, tích cực tham gia bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Nguồn lợi vùng biển Thái Bình với những loại hải sản rất đa dạng, có tới 218 loài cá biển thuộc 87 họ và nhiều loại cá nước ngọt. Trong đó 45 loại có giá trị kinh tế, cá sống ven bờ có 115 loại, nhóm cá nổi có 17 loại và nhóm cá đáy có 98 loại… 

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên những năm gần đây đang bị suy giảm. Nguyên nhân chính là do môi trường ngày càng ô nhiễm và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đưa việc thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản thành phong trào thiết thực. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản còn phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân, chủ tàu khai thác thủy sản cam kết tuân thủ, không vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tàu cá phải có giấy phép khai thác thủy sản theo quy định khi hoạt động. Thả giống thủy sản về vùng nước tự nhiên đã thu hút sự quan tâm, phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các cấp, hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội về công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Song song với công tác tuyên truyền, nhiều địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản sai vùng, sai tuyến. Đặc biệt nghiêm cấm tình trạng đánh bắt thủy sản bừa bãi như dùng điện, bắt tất cả các loài cá nhỏ, cá đang trong mùa sinh sản... 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng qua Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và một số địa phương tổ chức 3 đợt thả con giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông Trà Lý (thành phố Thái Bình), cảng cá cửa Lân (Tiền Hải), cống Dục Dương, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương). Tổng lượng con giống được thả xuống hệ thống sông, khu vực ven biển khoảng 38 vạn con cá, tôm, cua giống nước ngọt, nước lợ. 

Việc tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm bổ sung các loài cá bản địa vào các vùng nước tự nhiên, tăng mật độ quần thể các loài thủy sản có nguy cơ bị đánh bắt cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái. Qua đó góp phần thực hiện các nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Tàu của ngư dân cập bến cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy).

Mạnh Thắng 



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày