Thứ 6, 22/11/2024, 00:11[GMT+7]

Tập trung nguồn lực nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê điều

Thứ 2, 02/09/2024 | 21:44:57
1,265 lượt xem
Do có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và thành quả phát triển kinh tế - xã hội nên hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư tu bổ, nâng cấp.

Dự án nâng cấp hệ thống tưới trạm bơm Hệ hoàn thành đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất của 2 huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy.

Từng bước hoàn thiện

Dự án nâng cấp hệ thống tưới trạm bơm Hệ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng từ cuối năm 2022. Dự án có tổng chiều dài khoảng 10km với 3 nhánh kênh chính trên địa phận các xã Thụy Ninh, Thụy Chính, Thụy Dân, Thụy Việt, Thụy Hưng (Thái Thụy). Cùng với việc đầu tư, kè mới các tuyến kênh chính, xây dựng các công trình trên kênh thì các cống Thụy Việt, Vân Am 2, An Lương... cũng được đầu tư xây mới. Thời gian thực hiện dự án 30 tháng (từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2025). 

Ông Tô Xuân Đạt, Trưởng phòng Điều hành dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Đến nay, các hạng mục chính của dự án đã cơ bản hoàn thành như thi công đắp đất mái kè, đổ bê tông khung dầm, lắp đặt tấm lát, đường bờ kênh... Khối lượng thực hiện tính đến ngày 15/8 đạt khoảng 90%. Hiện tại, đơn vị thi công đang triển khai hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ, thi công hoàn trả đường bờ kênh một số vị trí còn lại, một số cống tưới, tiêu hai bên bờ kênh. Dự kiến đến tháng 11/2024 hoàn thành toàn bộ dự án.

Trạm bơm Hệ nằm trên địa bàn xã Thụy Ninh (Thái Thụy), được xây dựng từ năm 1978 với nhiệm vụ chủ động tiêu nước cho 4.600ha của 2 huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, cấp nước tưới cho gần 1.500ha của các xã phía Bắc huyện Thái Thụy. Hệ thống thủy nông trạm bơm Hệ là công trình tưới, tiêu trọng điểm của huyện Thái Thụy và huyện Quỳnh Phụ, có ảnh hưởng lớn đến sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh. Quá trình triển khai dự án cần giải phóng mặt bằng khoảng 37.200m2 tại địa bàn các xã: Thụy Ninh, Thụy Chính, Thụy Dân, Thụy Việt, Thụy Hưng (Thái Thụy) với kinh phí đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Thái Thụy, kinh phí đền bù của dự án chưa đến 200 triệu đồng, tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhà nước. 

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án khi hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương, do đó, ngay từ khi dự án được triển khai, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, ủng hộ dự án. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, được đông đảo người dân đồng tình, đón nhận.

Thi công lu nèn, cấp phối đá dăm đê tả Trà Lý đoạn từ K2+900 đến K6+600.

Tận dụng mọi nguồn lực

Tỉnh Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê cửa sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6km, trong đó có 356,3km đê trung ương, còn lại 228,3km đê bối, bờ bao, bờ vùng. Các tuyến đê trung ương trong tỉnh có 103 kè hộ bờ trên các tuyến đê cấp I, II, III; 16 kè trên các tuyến đê sông, đê cửa sông chưa được phân cấp với tổng chiều dài hơn 170km kè lát mái; hơn 50 mỏ kè; 191 cống dưới đê. Toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi do 2 Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình và 315 hợp tác xã nông nghiệp quản lý, khai thác.

Theo đánh giá, cao trình mặt đất tự nhiên của Thái Bình rất thấp, về mùa lũ mực nước sông thường cao hơn mặt đất tự nhiên từ 3 - 5m. Nếu vỡ đê bất cứ chỗ nào một nửa tỉnh Thái Bình sẽ bị ngập sâu từ 2 - 4m trở lên, hoặc vỡ đê biển bất cứ chỗ nào thì hàng nghìn héc-ta đất canh tác bị nhiễm mặn phải cải tạo, thau rửa nhiều năm mới phục hồi được. Cùng với đó, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến nhiều công trình thủy lợi, đê điều của tỉnh bị xuống cấp. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng, lồng ghép từ các nguồn vốn để hỗ trợ củng cố, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, thủy lợi, hạ tầng giao thông đa mục tiêu gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Ngoài ra, các công trình phòng, chống thiên tai, nhất là các tuyến đê biển được đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, nguồn vốn cần để tu sửa, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi của tỉnh rất lớn. Để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở tiếp tục bám sát hiện trạng công trình thủy lợi, đê điều, các quy hoạch để rà soát, đánh giá, tham mưu kịp thời UBND tỉnh cân đối nguồn lực, tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, nhất là tại những vị trí xung yếu. Từ đó bảo đảm an toàn lâu dài hệ thống thủy lợi, đê điều của tỉnh, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân và Nhà nước trước ảnh hưởng của thiên tai; bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày