Thứ 6, 27/12/2024, 18:29[GMT+7]

Hiệu quả mô hình nuôi ngan Pháp theo hướng an toàn sinh học

Thứ 5, 05/09/2024 | 09:24:15
1,303 lượt xem
Nuôi ngan thương phẩm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) được Trung tâm Khuyến nông triển khai tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vũ Thư, Kiến Xương. Qua tổng kết, đánh giá, mô hình cho kết quả khả quan, không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, đem lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là hướng đi mới mở ra nhiều triển vọng cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Khuyến nông tổ chức nghiệm thu ngan tại các hộ tham gia mô hình.

Với kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm nhiều năm, ông Bùi Văn Dư, thôn 1, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) mạnh dạn nuôi thử nghiệm 1.500 con ngan Pháp thương phẩm giống R71. Đây là giống ngan có nhiều đặc tính ưu việt như: thời gian nuôi ngắn, tăng trọng nhanh, trọng lượng to, thịt ngon, ngọt, thơm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Sau gần 3 tháng nuôi, ông Dư xuất bán hơn 5.100kg, thu về hơn 300 triệu đồng. 

Ông Dư cho biết: Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ATSH, sử dụng thuốc thú y, vắc-xin đầy đủ theo nguyên tắc “4 đúng” nên đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh cao. Cân đối thu - chi, sau 3 tháng nuôi gia đình tôi thu lãi khoảng 43 triệu đồng.

Ngan là vật nuôi được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn để phát triển kinh tế nhờ thời gian nuôi ngắn và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, các hộ chưa chú trọng lựa chọn con giống bảo đảm chất lượng, chăn nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao. 

Ông Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng đang gặp nhiều khó khăn như giá con giống, thức ăn ở mức cao; giá bán sản phẩm, đầu ra không ổn định; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững cần nhân rộng các mô hình sản xuất ATSH, trong đó người chăn nuôi kiểm soát được con giống, thức ăn, thuốc thú y, quản lý được quy trình chăn nuôi, từ đó ổn định sản xuất thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Do đó, từ tháng 4 - 8/2024, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình nuôi ngan Pháp R71 thương phẩm ATSH gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 4 hộ chăn nuôi thuộc các xã: Vũ Hòa (Kiến Xương), Vũ Tiến (Vũ Thư) với quy mô 3.400 con. Trong đó, mô hình hỗ trợ 1.700 con giống và một phần kinh phí mua thức ăn, vắc-xin phòng bệnh và một số vật tư đầu vào khác; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ngan theo hướng ATSH cho người chăn nuôi; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng quy trình chăn nuôi theo đúng hướng dẫn kỹ thuật về ATSH, sau gần 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống của đàn ngan Pháp đạt 95,3%, trọng lượng trung bình đạt 3,5kg/con. Với giá bán 62.000 đồng/kg, mô hình cho thu lãi gần 90 triệu đồng.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chất lượng, mô hình đã giúp bà con chuyển đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi. Các hộ dân tham gia mô hình đều nhận thấy muốn nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ngoài việc đầu tư chuồng trại, chú trọng con giống, thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc con nuôi theo đúng kỹ thuật, từ đó tạo sức lan tỏa đối với các hộ chăn nuôi khác.

Ông Trần Quý Hưng, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường nuôi ngan nhưng nguồn giống mua qua thương lái, cơ sở ấp nở, không có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm và kỹ thuật nuôi theo kinh nghiệm nên ngan hay bị bệnh, rụng lông, hiệu quả chăn nuôi thấp, có khi còn thua lỗ nếu gặp dịch bệnh. Năm nay, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông, tôi tham gia mô hình, được hướng dẫn kỹ thuật tận tình từ lựa chọn con giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, ghi chép nhật ký... nên ngan phát triển tốt, tăng trọng nhanh, hạn chế các bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng, viêm gan... cho tỷ lệ sống cao hơn hẳn so với những năm trước.

Từ hiệu quả mô hình, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình khuyến khích, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhân rộng mô hình, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 7/1/2022 của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Lưu Ngân


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày