Thái Thụy: Nỗ lực tiêu úng
Thiệt hại nặng sau bão
Sáng ngày 12/9, tại xứ đồng thôn Phong Lẫm, xã Thụy Phong, anh Nguyễn Văn Hoàng tranh thủ trời tạnh mưa ra đồng kiểm tra lúa. Nhìn gần 10 mẫu lúa ngập sâu trong nước, anh buồn rầu chia sẻ: Tôi không có nghề phụ, nguồn thu nhập chính chỉ trông chờ vào ruộng lúa. Vụ mùa này tôi cấy giống VN20. Lúa phát triển tốt hơn vụ trước, bộ lá rất đẹp. Tôi dự tính được 2 tạ/sào. Không ngờ bão ập đến gây ngập úng đúng vào giai đoạn lúa làm đòng. Bao nhiêu chi phí từ làm đất, thuê máy cấy, thuốc bảo vệ thực vật, giống... nguy cơ mất trắng vì lúa đang bị thối lá và thân.
Ông Đặng Xuân Hoa, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thụy Phong cho biết: Hơn 400ha lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, một số diện tích đã trỗ thoát, còn ít lúa đang trong phơi màu. Nhưng do ảnh hưởng của bão, hơn 200ha lúa bị ngập đến 2/3 cây. Địa phương không có trạm bơm tiêu, chủ yếu tự tiêu qua cống Trà Linh. Nếu sau bão mà không mưa, nước sông Diêm Hộ, sông Phong Lẫm không dâng cao thì còn tiêu được nước. Như chiều ngày 8/9 trời tạnh mưa, mực nước mặt ruộng đã xuống thấp được 15cm. Nhưng mấy ngày nay mưa to quá, mực nước trên sông cao hơn trong ruộng nên lúa lại ngập sâu trong nước. Qua kiểm tra, những diện tích lúa đã trỗ hơn 50% hạt bị lép, tôi ước tính vụ này thiệt hại năng suất trên 50%.
Cũng như các địa phương khác, bão số 3 đã làm hơn 400ha lúa của xã Thái Phúc bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Xuân Sáu, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thái Phúc cho biết: Hầu hết lúa đang trong giai đoạn ôm đòng già, trổ bông nên hơn 45ha lúa vùng trũng bị ngập hoàn toàn, đối diện nguy cơ mất trắng. Xã Thái Phúc chủ yếu tiêu bằng trọng lực qua cống Kênh, cống Thiên Kiều, cống Thái Phúc nhưng mực nước trên sông Trà Lý ở mức cao, trên báo động III cộng với mưa nhiều khiến nước trong ruộng không rút được. Nếu trời không mưa thì khoảng 3 ngày nữa nước mới rút hết, lúc đó cây lúa bị thối đòng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy, bão số 3 đã làm hơn 7.000ha lúa bị thiệt hại, trong đó 1.000ha lúa bị đổ, ngã, thiệt hại 70%; 2.000ha lúa bị thiệt hại 30 - 50%; 4.000ha lúa bị thiệt hại 20 - 30%.
Tập trung cứu lúa
Để làm tốt công tác tiêu úng cứu lúa, huyện Thái Thụy yêu cầu ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn huy động các nguồn lực, phương tiện, khoanh vùng bơm chống úng cho lúa; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc, bảo vệ diện tích lúa còn khắc phục được, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tại trạm bơm Hệ, 22 máy bơm với tổng công suất 88.000 m3/giờ được vận hành liên tục từ 10 giờ ngày 9/9. Anh Vũ Văn Sửa, trạm trưởng trạm bơm Hệ cho biết: Để nhanh chóng tiêu nước cứu lúa, trạm bơm chúng tôi có 2 công nhân và 5 công nhân tăng cường từ cụm Hệ gần như thức trắng, xuyên đêm, thay phiên nhau người canh máy, người đi tuần kênh, vớt rác thông dòng..., bằng mọi cách tiêu thoát nước. Nhờ vậy, nhiều diện tích ruộng vàn cao chỉ còn 12 - 15cm nước.
Ông Nguyễn Văn Thêm, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thụy Ninh cho biết: Sau bão số 3, hơn 350/445ha lúa bị ngập chỉ thò mỗi bông lúa. Nhờ có trạm bơm Hệ và 4 cống tự tiêu nên một số cánh đồng cao như đồng Sành, đồng Xước của thôn Đông Mai, đồng Rộc Trong và Rộc Ngoài của thôn Bùi chỉ còn 15 - 20cm nước, bông lúa trỗ đạt 60%. Hiện địa phương còn hơn 150ha lúa đang bị ngập.
Theo bà Đoàn Thị Hà, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thái Thụy, Xí nghiệp đang quản lý 3 trạm bơm (Hệ, Khái Lai, Thủy Nguyên) với 31 máy bơm công suất từ 1.800 - 4.000m3/máy/ giờ. Bảo đảm an toàn công trình, trạm bơm Thủy Nguyên và trạm bơm Hệ đang vận hành với 27 máy bơm; linh hoạt vận hành 30 cống dưới đê bảo đảm an toàn chống lũ và tiêu úng.
Ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện mực nước trên sông Trà Lý và sông Hóa cao hơn mực nước trong đồng, cộng với thủy triều lên cao nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu úng. Phòng đã đề nghị các cụm, đặc biệt là Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động mở các cống và vận hành các trạm bơm để bơm tiêu cho các khu vực trong nội đồng, tận dụng tối đa nước triều xuống mở cống tiêu nước. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện phân công cán bộ về cơ sở hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh.
Gần 10 mẫu lúa của anh Nguyễn Văn Hoàng, thôn Phong Lẫm, xã Thụy Phong bị ngập úng, đang bị thối lá và thân.
Nguyễn Thắm
Tin cùng chuyên mục
- Ban hành quy trình sản xuất một số cây trồng, thủy sản 03.10.2024 | 18:29 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
Xem tin theo ngày
- Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 tạo đà cho năm 2025
- Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Hội Doanh nghiệp thành phố Thái Bình: Tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024 - 2028
- Kỳ họp HĐND tỉnh để giải quyết công việc phát sinh đột xuất ban hành 10 nghị quyết quan trọng
- Trao đổi kinh nghiệm trong công tác thiết kế, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu công nghiệp Liên Hà Thái
- Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình
- Xây dựng báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải bảo đảm chất lượng
- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Họp Thường trực HĐND tỉnh
- Tập trung tham mưu chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp