Thứ 6, 27/12/2024, 04:13[GMT+7]

Nông dân Thái Thụy làm giàu

Thứ 4, 18/09/2024 | 10:19:26
2,019 lượt xem
Chấp nhận thử thách, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học vào sản xuất, nhiều nông dân ở Thái Thụy đã làm giàu cho mình và góp phần xây dựng quê hương.

Ông Bùi Hữu Khiên nuôi chồn hương và dúi sinh sản.

Lão nông “thất thập” thu nhập tiền tỷ 

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Bùi Hữu Khiên, thôn Chỉ Bồ, xã Thụy Trường được biết đến là tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi. Ông chia sẻ: Tôi có hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản. Với hơn 3ha đầm, tôi nuôi hơn 2 vạn cá vược. So với các loại cá khác, cá vược ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao, không bị mất giá. Thức ăn của chúng hoàn toàn bằng cá nhỏ, cá tạp... Lúc nuôi vược giống, tôi phải xay nhỏ thức ăn, huấn luyện cá ăn vào khung giờ cố định. Khi cá lớn, thức ăn chỉ cần chặt nhỏ là được. Sau 12 - 14 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 1,8 - 2kg; với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/ kg, tổng doanh thu từ nuôi cá vược mỗi năm hơn 700 triệu đồng. Ngoài nuôi cá vược, tôi còn nuôi thêm tôm, cua, trồng thêm dừa, bưởi, mít..., tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với thu nhập ổn định 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Mở rộng mô hình phát triển kinh tế, ông Khiên tìm hiểu và học tập kinh nghiệm nuôi chồn hương và dúi. Năm 2022, ông đầu tư hơn 400 triệu đồng làm chuồng và mua 30 cặp chồn hương giống. Sau 1 năm chăn nuôi, nhờ áp dụng đúng quy trình chăm sóc, chồn đạt trọng lượng 9kg/con; với giá bán 2,5 triệu đồng/kg, tổng doanh thu từ nuôi chồn đạt hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện ông đang nuôi thêm dúi. Ông hy vọng thời gian tới sẽ thành công với mô hình nuôi chồn hương và dúi sinh sản để tăng đàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Trường cho biết: Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Bùi Hữu Khiên là mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện, được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương, khen thưởng năm 2023. Mô hình đang được một số hộ dân trên địa bàn xã học tập, làm theo. Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã đã nhận ủy thác hơn 30 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hơn 440 lượt hội viên vay. Phấn đấu năm 2024, thu nhập bình quân của nông dân tăng từ 65 triệu đồng/ người/năm lên 70 triệu đồng/người/năm. 

Mở hướng nuôi tôm sú công nghệ cao 

Cần cù lao động, chịu khó học hỏi và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, anh Vũ Văn Của, thôn Bạch Đằng, xã Thái Thượng thu lãi hàng tỷ đồng/năm nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Anh tâm sự: Là người con của quê hương Thái Thượng, nơi đây có lợi thế giáp biển, tận dụng vùng đầm bãi ngoài đê tôi đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Năm 2024, tôi đã xuất bán được 17 tấn tôm thẻ chân trắng. Với giá 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi lãi khoảng 1,3 tỷ đồng. 

Anh Của cho biết thêm: Gần 10 năm nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, tôi luôn ấp ủ và tìm hiểu để nuôi tôm sú công nghệ cao. Năm 2024, tôi mạnh dạn vào Ninh Thuận mua hơn 3 vạn tôm sú giống Moana về nuôi thí điểm với mật độ 35 con/m2. Ban đầu, bà con ai cũng gàn vì từ trước đến nay tôm sú chỉ nuôi trong ao đất, những khoáng chất trong đất sẽ làm tôm cứng và chắc hơn. Nhưng qua nhiều năm làm nghề, tôi thấy rằng nếu kiểm soát tốt môi trường nước, theo dõi, kiểm tra dịch bệnh trên tôm từng ngày thì mô hình sẽ thành công 80%. Trong quá trình nuôi tôm sú, tôi thực hiện nguyên tắc 3 - 1, cứ 3 bữa cho tôm ăn thức ăn công nghiệp thì 1 bữa cho ăn con don, từ đó chi phí thức ăn thấp hơn rất nhiều. Để phòng, trừ dịch bệnh, tôi trộn thức ăn với tỏi và mật ong trước 24 giờ khi cho ăn nhằm khử hết chất bảo quản, bổ sung dưỡng chất, tăng sức đề kháng. Sau 6 tháng thực hiện, tôi đã thành công với mô hình nuôi tôm sú công nghệ cao. Đầu tháng 9/2024, tôi thu hoạch được hơn 1,5 tấn tôm sú, bán 400.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 600 triệu đồng. So với nuôi tôm thẻ chân trắng, tôi thấy nuôi tôm sú công nghệ cao ít dịch bệnh, chi phí chăn nuôi thấp hơn, giá bán gấp đôi, thị trường tiêu thụ rộng. 

Ông Bùi Bá Thán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thượng cho biết: Anh Vũ Văn Của là nông dân đầu tiên ở huyện Thái Thụy và tỉnh Thái Bình nuôi thành công tôm sú công nghệ cao, hy vọng mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản. Nuôi tôm sú công nghệ cao hiệu quả kinh tế cao gấp hơn 2 lần so với tôm thẻ chân trắng, đặc biệt hạn chế rủi ro dịch bệnh. Nếu nhân rộng được mô hình này, địa phương sẽ có nhiều nông dân tỷ phú. 

Anh Vũ Văn Của thu lãi hàng tỷ đồng/năm nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú công nghệ cao. 

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững lan tỏa khắp các xã, thị trấn trong huyện Thái Thụy. Những tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương ngày càng xuất hiện nhiều. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho các nông dân khác, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Bà Nguyễn Thị Vân Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy cho biết: Toàn huyện hiện có 24.158 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt trên 63% số hộ đăng ký. Năm 2024, Hội phấn đấu 80% hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đồng hành cùng hội viên, các cấp hội đã vận động, hướng dẫn hội viên mở rộng sản xuất, kinh doanh, huy động các nguồn lực đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, phát triển trang trại, gia trại; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, công nghệ cao; tổ chức hỗ trợ, tư vấn cho hội viên phát triển sản xuất, chủ động thực hiện chương trình liên kết 6 nhà; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể. 

Nguyễn Thắm  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày