Thứ 5, 21/11/2024, 19:59[GMT+7]

Hồng Phong: Chăm sóc, phục hồi cây dâu sau lũ

Thứ 3, 24/09/2024 | 09:21:11
1,383 lượt xem
Hồng Phong là xã duy nhất của huyện Vũ Thư duy trì nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm. Đợt mưa, lũ vừa qua, toàn bộ 257ha dâu của địa phương bị ngập nặng, làm giảm năng suất lá dâu, gây thiệt hại kinh tế lớn của bà con. Ngay khi nước lũ rút, nông dân trong xã tập trung chăm sóc, phục hồi, bảo vệ cây dâu để bảo đảm cho việc nuôi tằm.

Bà Bạch Thị Thủy, thôn Tân Phong, xã Hồng Phong (Vũ Thư) bứt toàn bộ lá dâu để cây nhanh hồi phục và duy trì nuôi 5 nong tằm dở dang.

Gần 1 tuần sau khi nước lũ ở sông bắt đầu rút nhưng hầu hết các thửa ruộng trên cánh đồng dâu thôn Tân Phong vẫn ngập nước nhẹ. Bà Bạch Thị Thủy chia sẻ: Ngoại trừ lần vỡ đê năm 1971, đây là lần đầu tiên tôi thấy lũ cao, lụt sâu ở cánh đồng dâu địa phương. Ngập úng lâu ngày, cây dâu tuy chưa chết nhưng lá dâu bị héo, ngả vàng, không còn ra nhựa. Trước đây, mỗi ngày tôi hái được 80kg lá dâu thì giờ cả ngày chỉ bòn hái khoảng 10kg. Không đủ lá dâu nên 10 nong tằm đang nuôi dở, tôi bắt buộc phải đổ bớt đi 5 nong, chỉ giữ lại 5 nong để nuôi, hàng ngày chỉ cho tằm ăn 3 bữa, thay vì 5 bữa như trước. Nếu không có bão, lũ, nuôi 10 nong tằm, tôi sẽ có 5 tạ kén, tương đương với 50 triệu đồng, nhưng lứa tằm này, ước tính chỉ thu được hơn 2 tạ kén, tương đương với 20 triệu đồng. Lứa tằm cuối năm cũng sẽ phải bỏ, thiệt hại thêm vài chục triệu đồng nữa.

Nước đã rút, trên luống dâu trơ ra những chiếc rễ dâu non ăn nổi trên mặt đất. Dứt những chiếc rễ này lên kiểm tra, ông Trần Trung Điểm, thôn Tiền Phong cho biết: Rễ chính của cây dâu thì vẫn ổn, nhưng các rễ tơ hồng - rễ non ăn nổi trên mặt đất thì đã bị thối hỏng hết. Trong khi đó, năng suất, chất lượng lá dâu phụ thuộc vào bộ rễ tơ hồng này. Bởi vậy, khi nước rút, tôi tiến hành bứt trụi toàn bộ phần lá dâu còn sót trên cây để kích thích cây bật lá mới. Đợi 1 - 2 tuần sau, ruộng thật ráo nước, thời tiết ôn hòa, không nắng gắt, tôi sẽ tiến hành bón nhử bằng phân đạm loãng hoặc phun chế phẩm ET nhằm kích thích cây dâu ra rễ mới. Hiện tại, chúng tôi cố gắng cầm cự nuôi nốt lứa tằm dở dang và xác định kết thúc vụ tằm năm nay sớm hơn mọi năm từ 1 - 2 tháng vì không còn lá dâu.

Xã Hồng Phong hiện có 257ha dâu, 100% diện tích nằm ngoài đê quốc gia. Vừa qua, nước lũ sông Hồng dâng cao làm vùng trồng dâu nằm phía ngoài đê bối bị ngập sâu khoảng 2m nước; vùng dâu nằm phía trong đê bối bị ngập từ 0,5 - 1m nước. Khi lũ trên sông Hồng rút xuống, các cánh đồng dâu của Hồng Phong cũng dần dần tiêu thoát nước. Đến nay, còn ít diện tích dâu ở các xứ đồng phía trong đê bối vẫn ngập nhẹ.

Ông Đinh Văn Tuần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Hầu hết cây dâu ở địa phương có tuổi thọ 40, 50 năm, thậm chí nhiều diện tích dâu đã 70, 80 năm tuổi. Sức sống của cây dâu khá mãnh liệt, mặc dù ngập úng liên tiếp hơn 10 ngày liền nhưng về cơ bản cây dâu vẫn sống, cây bị thối, hỏng phần rễ non, gây héo úa lá, lá không còn chất dinh dưỡng để phục vụ nuôi tằm. Để bảo đảm an toàn cho cây dâu, xã đã vận hành trạm bơm Cổ Lễ để tiêu nước cho một số xứ đồng trũng liền kề; cử lực lượng canh coi 24/24 giờ để điều hành đóng, mở các cống qua đê, tranh thủ tối đa thực hiện tiêu thoát nước tự chảy, rút nước trong nội đồng để bảo vệ cây dâu. Tại một số xứ đồng lòng chảo, bà con huy động máy bơm để khẩn trương bơm tiêu nước. HTX NN Vũ Hồng và HTX NN Vũ Phong tuyên truyền bà con sớm kiểm tra, xác định tình trạng cây dâu của gia đình để có biện pháp khắc phục kịp thời; hướng dẫn nông dân kỹ thuật tỉa lá, bón phân nhằm phục hồi bộ rễ và bảo đảm an toàn cho cây dâu. Nếu tiêu thoát nước tốt, chăm sóc tốt, cây dâu cần hơn 1 tháng nữa để hồi phục, như vậy sẽ không kịp thời vụ để nuôi lứa tằm cuối năm, vì vậy nông dân cần lưu ý tính toán số lượng đặt mua trứng giống tằm, tránh thiệt hại thêm. Bà con tránh tâm lý nóng vội, bón phân không đúng kỹ thuật, có thể gây thiệt hại hoặc kéo dài thời gian hồi phục của cây.

Ước tính mưa, lũ làm giảm sản lượng kén tằm của xã Hồng Phong trong tháng 9, tháng 10 khoảng 120 - 150 tấn, tương đương với thiệt hại 12 - 15 tỷ đồng. Mặc dù vậy, bà con nông dân không nản chí mà tập trung cao chăm sóc, bảo vệ, đẩy nhanh tốc độ phục hồi sinh trưởng, phát triển của cây dâu, chờ vụ nuôi tằm đầu năm 2025.

Một số thửa ruộng dâu trên cánh đồng thôn Tân Phong, xã Hồng Phong vẫn bị ngập nước.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày