Thứ 5, 31/10/2024, 17:14[GMT+7]

Linh hoạt trong sản xuất vụ đông

Thứ 3, 01/10/2024 | 09:57:36
16,307 lượt xem
Để bù đắp thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do bão số 3, vụ đông năm 2024, các địa phương cần tập trung mở rộng diện tích gieo trồng, bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng; đồng thời, đẩy mạnh liên kết tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân, nhất là diện tích bị thiệt hại do mưa, lũ...

Nông dân Hưng Hà trồng ngô vụ đông.

Sản xuất vụ đông có vai trò quan trọng, tận dụng diện tích sản xuất để góp phần tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm nhu cầu thực phẩm tại chỗ, phục vụ chăn nuôi. Đặc biệt, cây vụ đông có thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, nhiều loại có thể đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu như khoai tây, cà chua, dưa bao tử, ớt, ngô ngọt, đậu tương... Vì vậy, nhiều năm nay các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng sản xuất vụ đông. 

Phấn đấu diện tích gieo trồng vụ đông đạt 180ha, những ngày này, nông dân xã An Châu (Đông Hưng) đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa, lên luống đặt bầu trồng các loại dưa, bí. Do đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên hàng năm người dân trên địa bàn xã luôn chủ động trong việc gieo trồng, chọn giống, gieo bầu... áp dụng kỹ thuật vào canh tác để gối vụ, tăng năng suất, chất lượng nông sản. 

Trồng 1,5 mẫu dưa chuột, bí đỏ ở vụ đông, bà Nguyễn Thị Lan, thôn An Lạp cho biết: Trồng dưa, bí tuy vất vả thời gian đầu do phải thường xuyên kiểm tra phòng, trừ một số loài côn trùng, sâu bệnh nhưng lại có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Sau khi thu hoạch lúa, chúng tôi thuê máy cày lên luống, bón phân chuồng rồi đặt bầu đã gieo trên bờ từ trước. Dưa, bí trồng vụ đông ruộng khô nên cũng không cần làm giàn, để cây ngoi ra mặt ruộng. 

Với đặc thù về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của từng vùng, mỗi địa phương trong tỉnh đang lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để nâng cao giá trị trong sản xuất vụ đông. Do đó, những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh được các địa phương ưu tiên gieo trồng có lợi thế, như: ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại... Năm 2024, huyện Vũ Thư phấn đấu gieo trồng 5.300ha cây vụ đông. Trong đó, cây ngô 700ha; khoai tây 350ha; dưa, bí 300ha; khoai lang 200ha; rau các loại 3.750ha. 

Ông Bùi Gia Khánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để khuyến khích người dân sản xuất, huyện đã có cơ chế hỗ trợ đối với 2 cây trồng chính là ngô nếp, khoai tây. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình mua giống ngô nếp thông qua HTX nông nghiệp trồng tập trung từ 2ha trở lên trên đất màu, 1ha trên đất sau thu hoạch lúa mùa được hỗ trợ 3.360.000 đồng/ha, tương đương 120.000 đồng/sào, lượng giống 14kg/ha; mua giống khoai tây nhập khẩu trồng vụ đông xuân qua HTX nông nghiệp thuộc các xã: Vũ Tiến, Nguyên Xá, Song An, Minh Quang, Tân Phong, Tân Hòa, Phúc Thành, Song Lãng được hỗ trợ 10.080.000 đồng/ ha, tương đương 360.000 đồng/sào, lượng giống 1.120kg/ha. Ngoài ra, thực hiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh đối với sản xuất vụ đông và khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa, lũ gây ra, huyện đang tổng hợp đăng ký hỗ trợ giống khoai tây, ngô nếp từ các địa phương. Dự kiến toàn huyện sẽ mở rộng thêm khoảng 200ha ngô, 50ha khoai tây bù đắp thiệt hại, ảnh hưởng do bão, lũ gây ra. Huyện chỉ đạo các xã đôn đốc người dân khẩn trương thu hoạch lúa; gieo trồng cây vụ đông khi thời tiết thuận lợi. 

Sản xuất vụ đông trong những năm gần đây thường gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết bất thuận, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 36.600ha cây vụ đông các loại. Để bù đắp thiệt hại sản xuất nông nghiệp do bão số 3, vụ đông năm 2024, các địa phương cần tập trung mở rộng diện tích gieo trồng, bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng; đồng thời, đẩy mạnh liên kết tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân, nhất là diện tích bị thiệt hại do mưa, lũ... UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất cây trồng vụ đông năm 2024 và khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa, lũ gây ra với mức hỗ trợ 500.000 đồng/ ha. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để sản xuất vụ đông hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương huy động tối đa phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa đã chín, thu hoạch đến đâu làm đất gieo trồng vụ đông đến đó. Làm bầu, ươm giống các cây vụ đông ưa ấm, tranh thủ ra bầu trên ruộng khi thời tiết cho phép để kịp thời gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất (trước ngày 5/10); chuẩn bị hạt giống và lựa chọn cây trồng ưa lạnh có lợi thế ở Thái Bình (khoai tây, củ cải ngọt, bắp cải, rau gia vị...) để gieo trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, rà roát, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng, ưu tiên cây trồng ngắn ngày, sớm cho thu hoạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nâng cao hệ số sử dụng đất và thu nhập cho người dân.

Nông dân xã An Châu (Đông Hưng) trồng dưa chuột, bí xanh ngay sau khi thu hoạch lúa mùa.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày