Đông Hưng: Khẩn trương thu hoạch lúa mùa, trồng cây vụ đông
“Sáng lúa, chiều cây vụ đông”
Khi những ruộng lúa của gia đình mới chín được 80%, ông Bùi Đức Thản, xã An Châu đã thuê máy về gặt. Gặt đến đâu ông thuê máy làm đất, lên luống đến đó để đặt bầu cây bí và dưa chuột. Ông chia sẻ: Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa, lũ, năng suất lúa của gia đình giảm so với vụ mùa năm 2023 khoảng 40 - 50%. Sáng tôi theo máy gặt lúa, đưa thóc về nhà, chiều tập trung làm đất, trồng cây vụ đông ưa ấm. Năm nay, ngoài 1,6 mẫu ruộng của gia đình, tôi còn mượn thêm ruộng của một số hộ ở trong xã và xã Tây Đô (Hưng Hà) trồng gần 3 mẫu dưa chuột và bí đỏ. Để cây bí và dưa chuột phát triển nhanh, gia đình gieo hạt trong bầu, cây cao khoảng 10cm mới đưa ra ruộng; mua phân chuồng, đạm hữu cơ lót dưới rồi mới đặt bầu, phủ rơm, rạ lên. Mong mưa thuận gió hòa để cây vụ đông được mùa, được giá, bù đắp thiệt hại vụ lúa mùa.
Vụ đông năm nay xã An Châu phấn đấu trồng 180ha, trong đó trên 100ha cây vụ đông ưa ấm. Với phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”, HTX DVNN xã hướng dẫn nông dân gặt đến đâu tranh thủ làm đất, lên luống trồng cây vụ đông ngay đến đó.
Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông bảo đảm khung thời vụ tốt nhất, HTX vận động bà con cấy lúa mùa sớm, thu hoạch nhanh, giải phóng đất, khẩn trương trồng cây vụ đông. HTX cũng tổ chức tiếp nhận và phát giống hỗ trợ cho nông dân trồng bảo đảm thời vụ tốt nhất; tín chấp với các công ty cung ứng phân bón chất lượng cho bà con chăm sóc cây trồng, sau thu hoạch nông sản mới thu tiền. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, hướng dẫn bà con kỹ thuật làm bầu bí, trồng, chăm sóc cây dưa chuột; tổ thủy nông điều hành nước phù hợp giúp nông dân có vụ đông thắng lợi.
Rẽ lúa trồng bí đông
Với quyết tâm không để đất nghỉ, đất trống, phấn đấu trồng 180ha cây vụ đông, trong đó 100ha bí nên khi lúa chín đỏ đuôi, nông dân xã Đông Xá đã rẽ lúa đặt bầu cây bí đông ưa ấm để lúa gặt xong bí đã có hoa, cho thu hoạch sớm, bán được giá hơn. Năm nay đầu vụ thời tiết không thuận, bão, mưa, lũ dồn dập, nước trên hệ thống sông thoát chậm khiến một số diện tích bí bà con đưa ra ruộng sớm bị ngập, hỏng. Song bà con không nản mà tiếp tục làm bầu, trồng lứa bí mới với mong muốn sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Bà Bùi Thị Thanh, xã Đông Xá cho biết: Giữa tháng 9, gia đình đã rẽ lúa, trồng 2 sào bí nhưng bị ngập, chết một phần. Không thể bỏ vụ đông vì trồng bí thường cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần lúa, gia đình đã gieo hạt bí trong bầu lần 2, sau 1 tuần thì đưa ra ruộng trồng và thay thế những cây đã chết. Sau trồng, cây lên 5 - 6 lá thì bấm ngọn để cây đẻ nhánh, bón phân đạm đúng thời điểm, giữ độ ẩm vừa phải, chỉ 1 tháng sau bí sẽ bò kín mặt ruộng, ra hoa, đậu quả.
Đến nay, gia đình ông Vũ Bá Cao, xã Đông Xá đã rẽ lúa trồng xong 1,3 mẫu bí đông, chuyển sang chăm sóc để bí phát triển. Ông cho biết: Bí sau trồng 10 ngày đã ngoi được 30 - 40cm nhưng năm nay thời tiết không thuận bí mới ngoi được 20cm. Gặt lúa xong chúng tôi sẽ tập trung chăm sóc theo hướng dẫn của HTX DVNN xã, trước mắt là tiêu nước, phun thuốc kích rễ, bón đạm, lân cho bí.
Vụ đông là vụ sản xuất có thời gian ngắn, đa dạng cây trồng, có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cả năm của ngành nông nghiệp. Do vậy, UBND huyện Đông Hưng đã chỉ đạo các xã khẩn trương thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, phát động phong trào trồng cây vụ đông, phấn đấu gieo trồng trên 5.000ha, chủ lực là bí, dưa chuột, ngô, khoai tây, khoai lang, su hào, cải bắp...
Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, Phòng đã và đang tổ chức cấp phát hơn 66 tấn giống hỗ trợ của tỉnh, của huyện cho nông dân sản xuất vụ đông. Chỉ đạo các HTX DVNN hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc cây vụ đông. Với bí, dưa chuột, ngô phải theo phương pháp làm đất tối thiểu, làm bầu gieo hạt, lúa chín khoảng 80% thì khẩn trương thu hoạch, gặt xong huy động máy móc làm đất trồng cây vụ đông ngay, nếu lúa chưa chín thì rẽ lúa đặt bầu cho kịp thời vụ. Các xã rà soát những chân ruộng cao, đất phù hợp vận động nông dân mở rộng diện tích trồng cây vụ đông; đồng thời, chủ động giống cây vụ đông ưa lạnh bảo đảm chất lượng để trồng trong khung thời vụ. Bên cạnh đó, tập trung khơi thông mương máng, trên ruộng làm luống cao để tiêu nước cho cây trồng. Sau trồng chủ động theo dõi thực hiện ngay biện pháp phòng dịch và chăm sóc phù hợp với từng loại cây trồng.
Cán bộ HTX DVNN xã Đông Xá kiểm tra cây bí giống của gia đình hội viên trước khi đưa ra ruộng.
Trung Hiếu
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm
- Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Họp thống nhất nội dung đề xuất phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường bộ cao tốc CT.08
- Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
- UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc
- Sớm triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Công chứng