Thứ 6, 03/01/2025, 04:26[GMT+7]

Kiến Xương: Chú trọng phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Thứ 5, 03/10/2024 | 09:09:05
1,395 lượt xem
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Kiến Xương lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa quy mô lớn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Mô hình nuôi gà của ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Quang Minh, xã Tây Sơn (Kiến Xương).

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Gia Trang, xã Bình Định cho biết: Năm 2011, tôi quyết định lập nghiệp từ vùng đất bãi bồi ven sông để làm trang trại và liên kết sản xuất với Tập đoàn Chăn nuôi CP của Thái Lan để có sự phát triển bền vững. Tôi duy trì nuôi thường xuyên hơn 4.000 con lợn, nếu thắng lợi mỗi năm tôi thu về 2 - 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi trang trại gặp không ít khó khăn do nhiều thời điểm giá thịt lợn thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp, mất nhiều thời gian vệ sinh chuồng trại. Vì thế, thời gian tới tôi sẽ nghiên cứu tìm hướng chăn nuôi mới, phù hợp để đạt hiệu quả cao hơn. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Quang Minh, xã Tây Sơn chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng làm nông nghiệp như bao gia đình khác, thu nhập chính chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của các cấp hội nông dân, năm 2010, gia đình tôi đa đưa giống gà Ai Cập siêu trứng về nuôi thử nghiệm. Đến năm 2015, tôi bắt đầu chăn nuôi lớn với diện tích 2 mẫu gồm 6.000 con gà Ai Cập siêu trứng, 1.000 con ngan, 2 ao thả cá truyền thống; mỗi ngày thu về bình quân 4.000 quả trứng gà cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mặc dù chi phí thức ăn cho đàn gia cầm ngày càng tăng song do đầu ra luôn ổn định nên trừ chi phí mỗi năm tôi thu về khoảng 500 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Quốc Tuấn cho biết: Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn xã được duy trì và phát triển cả về quy mô, sản lượng, giá trị. Chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Chủ động thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng, đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi. Do đó, trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra, thường xuyên duy trì tổng đàn từ 29.000 - 32.000 con gia cầm, hơn 200 con trâu, bò, hơn 200 con lợn, hơn 700 con chó, mèo. Mặc dù bão số 3 đã làm ảnh hưởng đến một số hộ chăn nuôi, làm chết 750 con gia cầm song các hộ đang tập trung vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi để tiếp tục chăn nuôi quy mô lớn. 

Theo đánh giá của UBND huyện, những năm qua Kiến Xương đã tạo điều kiện cho các hộ dân về giống, vốn, kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Do đó, nhiều trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung đã hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn huyện có tổng đàn lợn trên 31.000 con, tổng đàn gia cầm gần 1,5 triệu con, tổng đàn trâu, bò trên 4.000 con; có 12 trang trại (10 trang trại tổng hợp, 2 trang trại thủy sản). Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi, thủy sản bình quân 3 năm qua đạt 2,52%. 

Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn, tạo sức bật mới, huyện đã ban hành kế hoạch xây dựng xã, vùng chăn nuôi trọng điểm giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đối với chăn nuôi lợn, gia cầm định hướng phát triển theo hướng trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn tập trung ở những xã trọng điểm về chăn nuôi lợn, gia cầm như Lê Lợi, Bình Định, An Bình, Minh Tân, Trà Giang... Đối với chăn nuôi trâu, bò, khuyến khích phát triển ở những xã duyên giang như Minh Tân, Quốc Tuấn, Trà Giang, Hồng Tiến, Vũ Hòa... Giai đoạn 2025 - 2030 hình thành và phát triển 2 vùng chăn nuôi trọng điểm về lợn và gia cầm. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Chăn nuôi. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất dành cho chăn nuôi, đồng thời kêu gọi đầu tư, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn. 

Mô hình nuôi bò của anh Phan Quốc Cường, thôn Đồng Vân, xã Vũ Lễ.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày