Hiệu quả mô hình tổ hợp tác trồng quất cảnh
Nhận thấy nhu cầu người dân tìm mua cây cảnh dịp tết ngày càng lớn, xã Đông Thọ là nơi có thổ nhưỡng thích hợp cho cây phát triển tốt, cũng giống như nhiều hộ gia đình khác trong xã, ông Phạm Văn Toàn, thôn Quang Trung bắt tay vào trồng cây quất cảnh. Ban đầu ông trồng thử nghiệm vài chục cây, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉ sau vụ quất đầu tiên ông Toàn đã nắm được các đặc tính của cây quất để chăm sóc cho phù hợp. Nghĩ là làm, ông Toàn đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây quất cảnh.
Ông Toàn cho biết: Nghề trồng quất tuy không khó nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc phải cẩn thận, tỉ mỉ và không được vội vàng. Bắt đầu từ tháng 10, các nhà vườn bắt tay vào “tạo dáng” cho cây, cắt ngọn, tỉa cành cho phù hợp. Quất đang vào giai đoạn quả đang chín nên cũng cần tập trung chăm sóc cao nhất để cây không bị nhiễm nấm bệnh, phun thuốc phòng ngừa để dịp tết trái sum suê, không bị rụng. Sau trận mưa bão, ngập lụt vừa qua vườn quất của gia đình tôi thiệt hại rất nhỏ, vụ quất này cung cấp ra thị trường khoảng 300 cây quất lớn nhỏ, giá dao động từ 600.000 đồng - 1,8 triệu đồng/cây.
Ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Trần Phú gắn bó nghề trồng quất cảnh hơn 25 năm nay. Thời điểm này, nhà vườn của ông đã nhộn nhịp thương lái từ các nơi đến xem cây, đặt mua. Với hơn 1 mẫu đất được chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả, ông Thắng là một trong những nông dân đầu tiên trồng quất cảnh tại địa phương, đặc biệt hút khách với quất bonsai nhiều thế dáng độc đáo. Mỗi năm nhà vườn cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 chậu quất lớn, nhỏ, từ quất tiểu cảnh để bàn có giá trên 100.000 đồng/cây, đến quất lùm to, quất thế, quất chum, quất bonsai giá từ 1 - 4 triệu đồng/cây, cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ năm.
Ông Thắng cho biết: Trước đây, tôi trồng chủ yếu quất thế, quất lùm, cây quất cũng là nguồn thu nhập chính giúp gia đình tôi vươn lên làm giàu và có vốn để mở rộng sản xuất. Khi thị trường đầu ra ổn định, nắm bắt nhu cầu của người chơi quất cảnh, tôi tiến hành trồng quất chum, quất bonsai. Ngoài học hỏi từ các nhà vườn có tiếng về quất bonsai ở tỉnh bạn, tôi tự mày mò, cắt ghép và uốn cành theo các dáng, thế khác nhau. Tham gia Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây quất cảnh xã Đông Thọ, tôi có cơ hội cùng các nhà vườn trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây quất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Trần Phú, xã Đông Thọ dự kiến phục vụ thị trường tết 3.000 chậu quất các loại.
Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây quất cảnh xã Đông Thọ thành lập từ năm 2013 với 30 thành viên, đến nay đã thu hút 50 hộ gia đình thành viên tham gia với tổng diện tích trồng quất trên 7ha.
Ông Đặng Văn Quý, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây quất cảnh xã Đông Thọ chia sẻ: Nghề trồng quất cảnh là một trong những nghề chính, lâu năm của người dân địa phương. Trước đây, các hộ sản xuất chủ yếu mang tính tự phát, thiếu vốn, phát triển chưa đồng bộ, kỹ thuật chăm sóc và cắt tỉa còn đơn giản, sản phẩm đơn điệu, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Từ ngày thành lập, Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây quất cảnh hoạt động rất tích cực và hiệu quả, nông dân thiếu vốn được hỗ trợ cho vay vốn, thiếu cây giống, thiếu nhân công, thiếu kỹ thuật đều được hỗ trợ. Sau bão số 3, khoảng 20% diện tích trồng quất bị ảnh hưởng. Với phương châm “hội ý tận đầu bờ, khắc phục tại chỗ”, các thành viên trong Tổ hợp tác nhanh chóng hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả và tiến hành chăm sóc theo từng vườn, từng diện tích bị ảnh hưởng cho phù hợp. Đến nay, sau hơn 1 tháng tích cực chăm sóc, diện tích quất đã hồi phục khoảng 80 - 90%, dự kiến có trên 20.000 cây quất cảnh bảo đảm tiêu chuẩn được đưa ra thị trường dịp tết năm nay, ước tính doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng.
Ông Hà Minh Tình, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết: Xã Đông Thọ có diện tích trồng quất khoảng 11ha với hơn 70 hộ tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Lam Sơn, Quang Trung, Trần Phú. Hiệu quả từ việc trồng quất của các thành viên tổ hợp tác đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp nông dân vươn lên làm giàu từ cây quất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Địa phương luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ về cây giống, nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của cây quất cảnh.
Hà Tuyết
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm
- Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Họp thống nhất nội dung đề xuất phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường bộ cao tốc CT.08
- Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
- UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc
- Sớm triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Công chứng